Bằng mặt nhưng không bằng lòng, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang đòi lại hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vừa mới nộp theo lệnh truy thu.
Nỗi ấm ức của doanh nghiệp
Gần đây nhất là công văn "xin" lại tiền thuế của Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) gửi Bộ Tài chính.
Petec cho hay, đầu tháng 8, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định yêu cầu công ty phải nộp bổ sung hơn 66,6 tỷ đồng tiền thuế, là khoản chênh lệch phát sinh do tính lại thời điểm nộp thuế xăng dầu tạm nhập, không tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa năm 2012. Đây là doanh nghiệp xăng dầu thứ 8 nhận án truy thu thuế của hải quan.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tuần sau, công ty này gửi "thư" đề nghị Bộ Tài chính không thu và hoàn lại số thuế trên cho doanh nghiệp.
Petec giãi bày: "Do không lường trước được các chi phí kinh doanh phát sinh như vậy, việc tăng thêm tới 66 tỷ đồng tiền thuế đã gây hậu quả làm tình hình tài chính của doanh nghiệp đã xấu còn xấu hơn. Doanh nghiệp lại đang thiếu vốn kinh doanh do ngành xăng dầu chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường".
Trước nữa, Công ty CP lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) cũng "kiện" lên Tổng cục Hải quan đòi thu hồi lại quyết định truy thu 26 tỷ đồng tiền thuế đối với lượng xăng dầu tạm nhập, không tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa. Đến nay, đây là doanh nghiệp duy nhất chưa chịu khuất phục lệnh truy thu thuế này.
Petrolimex tuy không thẳng thừng đòi lại khoản 170 tỷ đồng tiền thuế, nhưng Tập đoàn này vẫn rất bức bối với cách làm của Bộ Tài chính.
"Khoản 170 tỷ đồng phát sinh này bắt buộc phải đưa vào hạng mục "chi phí khác" trong bảng cân đối tài chính, là một khoản lỗ chuyển từ năm cũ sang năm 2013", ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex chia sẻ.
Ông Năm nói: "Thà rằng, Bộ Tài chính thu thuế đúng quy định của Chính phủ từ đầu thì năm 2012, khoản thuế 170 tỷ đồng này đã có thể đưa vào kết cấu giá xăng dầu".
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay: "Trên thực tế, không chỉ có Petec, NamvietOil mà cả 6 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng đã đồng loạt gửi văn bản kêu cứu về sự bất hợp lý, hoặc đòi thẳng lại khoản thuế đã nộp bổ sung".
Theo ông Khanh, các doanh nghiệp xăng dầu đều đã nộp thuế bổ sung vì nếu không làm vậy, họ sẽ không được thông quan lô xăng dầu kế sau. Việc chấp hành "án" truy thu thuế của doanh nghiệp chỉ là sự miễn cưỡng, bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Năm 2012 là năm kinh doanh xăng hầu hết các đơn vị đều bị lỗ, ví dụ như Công ty xăng dầu Đồng Tháp, cũng lỗ tới 130 tỷ đồng, Petrolimex lỗ tới 125 tỷ kinh doanh xăng dầu.
Bộ Tài chính mạnh tay
Theo thông tin hiện nay, Bộ Tài chính sẽ không "tha" cho bất cứ doanh nghiệp nào, nhất là khi mới đây, lại có thêm "trát" của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, phải truy thu đủ số thuế bị thiếu đối với xăng dầu tạm nhập, tái xuất không hết, chuyển tiêu thụ nội địa. Con số truy thu không dừng lại ở 345 tỷ mà là 470 tỷ đồng, tăng thêm 125 tỷ nữa.
Kiểm toán Nhà nước vốn là cơ quan chuyên "nội soi" hoạt động của các tổ chức cơ quan, vạch trần các gian lận, sai phạm, làm thất thu ngân sách. Vì lẽ đó, "án" truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính có thêm sức nặng.
Trước đó, hôm 19/7, Bộ Tư Pháp đã tuýt còi văn bản 17060 của Bộ Tài chính vì thiếu tính pháp lý để triển khai truy thu thuế. Bất chấp khuyến cáo này, Bộ Tài chính "đáp lại" Bộ Tư pháp, sẽ không thu hồi văn bản này.
Theo Bộ, văn bản 17060 chỉ là văn bản hành chính mang tính đôn đốc thực hiện công tác hải quan, không mang tính quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ còn khẳng định: công văn này vẫn thống nhất với Nghị định 154 và Thông tư 194.
Với lập trường đó, Bộ Tài chính hôm 6/9 đã "bác" kiến nghị đòi thu hồi quyết định ấn định thuế của NamVietOi và yêu cầu đơn vị này phải chấp hành nghiêm quy định truy thu thuế.
Tuy nhiên, chính Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, Bộ Tài chính khi ban hành Thông tư 194 có một số điểm trái với Nghị định 154 của Chính phủ, hướng dẫn không phải thay thế tờ khai hải quan mới.
Tranh cãi liên quan tới các văn bản này, ông Trịnh Quang Khanh kể : "Họp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trả lời, khi ban hành Thông tư 194, Bộ muốn "tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nên đã quy định không phải thay thế tờ khai mới (trái với Nghị định 154 của Chính phủ). Bây giờ, Bộ lại bắt phải khai theo tờ khai hải quan mới để tính lại thuế. Đó là điều trái khoáy".
Đầu năm 2012, thuế suất nhập khẩu xăng dầu chỉ có 0-3%. Cuối năm, thuế tăng lên 12%. Vì thế, khoản truy thu thuế mới đội lên con số khủng 470 tỷ.
Ngược lại, năm 2011 trở về trước, thuế nhập khẩu có chiều hướng đi xuống, số thuế xăng dầu tính lại sẽ phải giảm đi, hải quan sẽ phải hoàn lại thuế cho doanh nghiệp. Nhưng trường hợp này lại không được Bộ Tài chính tính đến.
Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Năm xác nhận, ở Petrolimex, nếu tính cho năm 2011 trở về trước, Bộ Tài chính sẽ phải trả lại cho Tập đoàn tới 80 tỷ đồng.
Một chi tiết đáng lưu ý là, vụ việc tính lại thuế theo tờ khai hải quan mới đối với xăng dầu bắt nguồn từ một đề xuất của Cục Hải quan TP Hải Phòng tại công văn 7475 ngày 22/11/2012 với nội dung giải pháp "hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012".
Quan điểm của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam:
Thứ nhất,quan điểm của Hiệp hội và các doanh nghiệp dầu mối đều thống nhất là nếu Bộ Tài chính chứng minh được việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu là đúng luật định hiện hành thì các doanh nghiệp đầu mối không những phải truy nộp thuế nhập khẩu xăng dầu mà còn phải nộp phạt vì hành vi gian lận thuế. Đó là “nếu” nhưng trên thực tế, cho đến nay, Bộ Tài chính chưa đưa ra được bất kỳ một căn cứ pháp lý nào để biện minh cho việc truy thu thuế của mình là đúng luật định hiện hành (xin tham khảo thêm nội dung trong bài “Cái gọi là căn cứ pháp lý”đăng trên Trang thông tin điện tử của Hiệp hội).
Thứ hai, việc truy thu thuế nhập khẩu bất hợp lý đó sẽ gây ra những hậu quả to lớn cho doanh nghiệp sau đây:
- Làm thất thoát nguồn lực không nhỏ của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay;
- Gây khó khăn cho việc hạch toán cuối năm của doanh nghiệp như trong công văn giải trình của Petec;
- Cuối cùng là làm mất uy tín của các doanh nghiệp đầu mối trên thị trường trong và ngoài nước như chúng tôi đã có dịp đề cập trong các bài viết trước đây.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)