Nguồn tin của chúng tôi cho hay, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lại vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2012 của Bộ Tài chính.
Vụ việc lùm xùm này đã kéo dài cả năm qua. Cụ thể, Bộ Tài chính đã quyết định truy thu đối với các “đại gia” xăng dầu đầu mối số tiền thuế lên tới gần 500 tỷ đồng liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu năm 2012.
Trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng…
“Mặc dù việc quyết định truy thu thuế của các Chi cục Hải quan tỉnh/thành phố theo Thông báo số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính không đủ căn cứ pháp lý, nhưng với ý thức tôn trọng quyết định của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đầu mối, một mặt vẫn nộp thuế, mặt khác, các doanh nghiệp này vẫn gửi nhiều công văn kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan chức năng và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.” – ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội trình bày.
Theo ông Ruệ, bất bình trước Thông báo số 17060 (do Chánh Văn phòng Bộ Tài chính ký ngày 7/12/2012), các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đề nghị Cục Kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp vào cuộc để kiểm tra căn cứ pháp lý của việc truy thu thuế.
Hồi tháng 7 vừa qua, Cục Kiểm tra VBQPPL đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định nội dung Thông báo số 17060 là không phù hợp với luật định hiện hành và đề nghị Bộ Tài chính phải hủy thông báo này. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính vẫn một mực khẳng định đã làm đúng.
“Về căn cứ pháp lý của thủ tục hải quan và chính sách thuế, Bộ Tài chính không đưa ra được một căn cứ pháp lý nào chứng minh cho quyết định truy thu thuế của mình là đúng với quy định của Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư số 194/2010/TT-BTC.
Thông báo số 1760/BTC-VP yêu cầu Tổng cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải thay tờ khai hải quan mới để xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa... yêu cầu phải thay tờ khai hải quan là trái với Khoản 9 Điều 10 và Điểm b.3 Khoản 2 Điều 18 Thông tư 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính...” – văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Xăng dầu một lần nữa khẳng định.
Vì vậy, bằng bản kiến nghị vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính thu hồi Thông báo 17060. Đồng thời, số tiền truy thu thuế mà các doanh nghiệp xăng dầu đã nộp sẽ được khấu trừ cho các doanh nghiệp trong các năm tiếp theo.
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Trước hết xin được đính chính lại, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chỉ thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trên cơ sở luật định hiện hành chứ không có ý định quyết đấu với bất kỳ một cơ quan quản lý chức năng nào.
Thứ hai, để minh bạch hóa toàn bộ sự việc, xin đọc giả tham khảo hai công văn mà Bộ Tài chính gửi cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về vấn đề có liên quan:
1- Công văn số 13656/BTC-TCHQ ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính gửi cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (xin xem Bản sao công văn kèm theo).
Trong Công văn này, Bộ Tài chính giải thích việc yêu cầu Tổng cục Hải quan tiến hành xử lý truy thu thuế đối với doanh nghiệp có lô hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất những không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa phát sinh trong năm 2012 là theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn 622/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 04 năm 2013. Vì là một văn bản “mật” nên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam không có điều kiện tiếp cận Công văn số 622/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 04 năm 2013. Song chúng tôi thiết nghĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ không thể chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện những công việc trái với luật định hiện hành. Vì thế, việc Quý Bộ Tài chính chỉ viện dẫn Công văn 622/VPCP-KTTH mà không nói rõ nội dung chỉ đạo cụ thể của văn bản này là không đủ căn cứ pháp lý cho việc truy thu thuế. Theo chúng tôi, nếu thực sự có sự chỉ đạo cụ thể của Phó Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Tài chính cũng nên công bố để tránh những hiểu lầm không đáng có của công luận đối với sự điều hành trái với quy định hiện hành của Quý Bộ.
Để làm rõ những vấn đề có liên quan, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.
2- Ngày 25 tháng 11 năm 2013, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gửi Công văn số 16280/BTC-TCHQ (xin xem Bản sao công văn kèm theo) cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Trong Công văn này, ngoài việc một lần nữa khẳng định việc truy thu thuế là theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính còn bổ sung thêm là việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu là theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong Báo cáo số 240/KTNN-TH ngày 13 tháng 08 năm 2013.
Đối với “căn cứ pháp lý thứ hai” này, về mặt thời điểm mà nói, Hiệp hội xin có ý kiến như sau: Tổng cục hải quan và các Cục Hải quan đã gửi công văn việc truy thu thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu ngay sau khi nhận được Công văn 17060/BTC-VP ngày 7 tháng 12 năm 2012 của Quý Bộ, còn Báo cáo số 240/KTNN-TH của Kiếm toán Nhà nước là vào ngày 13 tháng 08 năm 2013 tức là đúng 8 tháng 6 ngày sau khi Công văn 17060 của Bộ Tài chính chỉ đạo gián tiếp việc truy thu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất những không tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa. Điều đó cho thấy quyết định truy thu thuế được giải thích bằng việc thực hiện theo sự chỉ đạo của Kiểm Toán Nhà nước là không có sức thuyết phục.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)