Phiên giảm thứ 2 liên tiếp của giá dầu trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 5 đã đẩy giá đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 21/3 năm nay. Tình hình sản xuất của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, tiếp tục thu hẹp trong tháng 5, đã gây sức ép tới giá dầu.
Kết phiên, giá dầu WTI giảm gần 2% xuống 68,09 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,5% xuống 72,6 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất trong vòng 8 tháng qua.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức 48,8 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết. Con số này cũng thấp hơn mức 49,2 của tháng 4 và trái ngược với dự đoán mức 51,4, biểu thị cho sự mở rộng hoạt động các nhà máy mà giới phân tích dự báo.
Điều này cho thấy tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn. Sự thu hẹp hoạt động sản xuất cũng làm mờ triển vọng tiêu thụ dầu thô của quốc gia này. Đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong phiên ngày 31/05.
Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ có xu hướng gia tăng, đạt mức 12,7 triệu thùng/ngày trong tháng 3, cao nhất kể từ tháng 03/2020, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mặc dù dữ liệu theo tháng có độ trễ, tuy nhiên, thống kê sản lượng Mỹ theo tuần tính tới ngày 19/06 vẫn cho thấy đà tăng tích cực.
Cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của nhóm OPEC trong tháng 5 đã giảm khoảng 0,46 triệu thùng/ngày so với tháng 4 xuống mức 28,03 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 1,5 triệu thùng so với tháng 9 năm ngoái. Điều đó giúp giá dầu lấy lại phục hồi trong phiên tối.
Tuy nhiên, áp lực bán quay trở lại vào cuối phiên khi báo cáo tồn kho của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy sự bổ sung vào kho dự trữ. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/05, trái ngược với dự đoán giảm của thị trường. Tồn kho các sản phẩm tinh chế bao gồm xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt tăng trong tuần qua.
Việc giá dầu thấp hơn 70 USD/thùng làm gia tăng lo ngại về những hành động bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp ngày 4/6 sắp tới. Tuy nhiên, các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các nhà phân tích không kỳ vọng OPEC+ sẽ thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp này.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu rơi khỏi kháng cự 68 USD, điều này về mặt kỹ thuật có thể thiết lập cho mục tiêu tiếp theo là 66 USD. Giá có thể test lại vùng 68 USD này trước khi tiếp tục giảm về mức mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, RSI trên khung H4 đang ở vùng quá bán, kết hợp với các tin tức cơ bản liên quan tới kết quả bỏ phiếu về dự luật trần nợ Mỹ tích cực, giá có thể phục hồi lên trên vùng 68. Nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mới ở vùng giá này.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)