Bản tin MXV Năng lượng 01/11: Giá dầu gặp sức ép khi nguồn cung Mỹ cải thiện trong khi nhu cầu có khả năng suy yếu tại Trung Quốc
02:03 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Mười Một, 2022

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, cả hai mặt hàng dầu thô đều ghi nhận mức giảm hơn 1% trong bối cảnh nguồn cung tại Mỹ có dấu hiệu cải thiện, trong khi sức sản xuất suy yếu của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ kém sắc. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX giảm 1,52% xuống mức 86,53 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên sở ICE giảm 1,02% xuống 92,81 USD/thùng. Tuy vậy, giá dầu vẫn ghi nhận tháng tăng đầu tiên sau 4 tháng giảm liên tiếp, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung sẽ sớm quay lại trạng thái thiếu hụt do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Trong phiên ngày 31/10, giá dầu gặp sức ép bán ngay từ phiên sáng khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu sản xuất tiêu cực trong tháng 10, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất đạt mức 49,2, cho thấy hoạt động tại các nhà máy thu hẹp trở lại trong tháng qua. Thêm vào đó, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 80 ngày, và Chính phủ quốc gia này hiện chưa có động thái nào cho thấy chính sách “Không Covid” sẽ được nới lỏng trong tương lai đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ dầu trong lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cải thiện từ nguồn cung dầu Mỹ cũng làm gia tăng áp lực bán trên thị trường dầu. Số liệu từ Chính phủ Mỹ vào hôm qua cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8, cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Đà phục hồi đáng chú ý của giá dầu chỉ xuất hiện trong phiên tối, khi OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn trong Báo cáo triển vọng hàng năm của mình. Báo cáo này cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Tổng nhu cầu năm 2023 cũng được dự báo tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự đoán của năm ngoái.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá dầu vẫn đang gặp khá nhiều sức ép. Mới đây, trong một nỗ lực thúc đẩy sản lượng nhằm hạn chế đà tăng của giá năng lượng, Tổng thống Biden cho biết sẽ tìm cách áp thuế cao hơn đối với các công ty dầu mỏ ghi nhận lợi nhuận mà không tái đầu tư vào sản xuất. Ngoài ra, động thái từ phía Mỹ sẽ miễn giới hạn giá dầu Nga cho các lô hàng được dỡ trước ngày 19/01 nhiều khả năng cũng sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy lực bán trong phiên sáng.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá đang dần rơi xuống dưới dải Bollinger Band và nhiều khả năng sẽ rơi xuống hỗ trợ 85,37 USD/thùng. Có thể mở lệnh bán tại vùng 86,4 với kỳ vọng chốt lời ở mức này.

Nguồn: