Giá dầu thô đóng cửa trong sắc xanh, sau một phiên biến động giằng co. Cụ thể, dầu WTI tăng 0,77% lên 119,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0,89% lên 120,57 USD/thùng.
Thị trường giằng co mạnh trong suốt phiên giao dịch, với giá dầu WTI biến động trong khoảng 117-120 USD/thùng, khi thị trường giằng co giữa một bên là triển vọng nguồn cung dầu sụt giảm và một bên là lo ngại về rủi ro trên thị trường tài chính chung do áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Theo báo cáo mới nhất “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới World Bank, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 2,9%, thấp hơn 1,2% so với dự báo đưa ra trong kỳ trước. Nguyên nhân chủ yếu cho mức tăng trưởng thấp này là do áp lực dành cho chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa sau khi Nga xâm lược Ukraine. Theo cảnh báo của World Bank, thế giới có thể quay trở lại giai đoạn đình lạm, tức là tăng trưởng kinh tế thấp, trong khi lạm phát cao gióng như thời kỳ những năm 1970. Thời điểm hiện tại, bất ổn nguồn cung, tổn thương kinh tế, chính sách thắt chặt tiền tệ của phần lớn các ngân hàng trung ương là những rủi ro chính cho thị trường chung hiện tại. Điều này có thể làm giảm tiêu thụ các mặt hàng năng lượng, có tỷ lệ sử dụng cho các hoạt động sản xuất tương đối lớn.
Giá dầu phục hồi trở lại trong phiên tối sau Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Theo đó, EIA kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm mạnh từ mức 11,3 triệu thùng/ngày xuống 9,3 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay, dưới tác động của các lệnh cấm vận. EIA cũng nâng dự báo giá dầu Brent trong nửa cuối năm nay từ 103 USD/thùng lên 108 USD/thùng và cảnh báo khả năng giá dầu tăng vẫn còn khá lớn, do các nhân tố khó dự đoán như rủi ro địa chính trị và cả chính sách của chính phủ để đối phó với giá xăng dầu tăng, cũng như tình hình dịch Covid-19. Các ngân hàng đầu tư khác như Goldman Sachs và Morgan Stanley đồng loạt nâng dự báo giá dầu lên 140 và 150 USD/thùng cho 2 quý cuối năm.
Rạng sáng nay, dầu thô chịu áp lực điều chỉnh một phần do báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô thương mại tại Mỹ tăng trở lại 1,8 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc 03/06. Tồn kho mặt hàng khác như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng được dự báo tăng lần lượt 1,8 và 3,4 triệu thùng, sau các giai đoạn giảm liên tiếp. Tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu đồng loạt tăng, là yếu tố có thể khiến giá điều chỉnh nhẹ, nhất là khi giá đang ở vùng đỉnh 13 tuần.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đang quay lại xu hướng biến động trong khoảng hẹp, với WTI khả năng cao sẽ tiếp tục biến động trong ngưỡng 117-120 USD/thùng. Các chỉ số không có nhiều thay đổi, với RSI và MACD tiếp tục hướng lên trên trong khi dải Bollinger Bands mở rộng. Có thể mở lệnh chờ mua tại vùng giá 118 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2-3 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)