Kết thúc tuần giao dịch ngày 10/07 – 16/07, giá dầu tăng mạnh 3 trong tổng số 5 phiên, được hỗ trợ bởi hàng loạt báo cáo từ các Tổ chức lớn dự báo về tình hình thâm hụt trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát tích cực của Mỹ trong tháng 6 cũng giúp thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Giá dầu WTI chốt tuần với mức giá 75,42 USD/thùng, tăng 2,11% so với mốc tham chiếu tuần trước đó. Giá dầu Brent tăng 1,78%, đóng cửa sát mốc 80 USD/thùng.
Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 7 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cảnh báo về tình trạng thiếu cung trên thị trường dầu thô trong 2 quý cuối năm nay, sau khi quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu Saudi Arabia tuyên bố gia hạn cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và Nga thông báo giảm xuất khẩu 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Cụ thể, EIA đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng 0,3% cho năm 2023 so với báo cáo trước xuống còn 101,1 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm 270.000 thùng/ngày.
EIA đánh giá quý III thị trường ghi nhận mức thâm hụt gần 1 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức 0,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.
Tính trung bình cả năm 2023, EIA lần đầu tiên ước tính thị trường sẽ thâm hụt 0,15 thùng/ngày, sau nhiều tháng dự báo thặng dư nhẹ.
Cùng quan điểm với EIA, báo cáo từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho biết thị trường sẽ cần trung bình khoảng 29,42 triệu thùng dầu/ngày từ nhóm nước này trong năm 2023, cao hơn 120.000 thùng/ngày so với báo cáo trước.
Ngoài ra, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mặc dù giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ, đồng thời tăng nhẹ dự báo sản lượng trong năm nay so với báo cáo trước, nhưng nhìn chung vẫn cho thấy thị trường dầu thô sẽ thâm hụt khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm nay.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu có phiên đạt mức cao nhất trong vòng 12 tuần, trước khi gặp áp lực bán chốt lời trong phiên cuối tuần.
Thêm vào các rủi ro từ phía nguồn cung, vào cuối tuần, việc sản xuất tại các mỏ dầu El Feel, Sharara và 108 của Libya đã bị đóng cửa ngày 13/07 trước tình hình địa chính trị phức tạp, làm ảnh hưởng tới ít nhất khoảng 300.000 thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên, các mỏ dầu đã hoạt động trở lại vào sáng ngày 16/07, nhiều khả năng sẽ làm hạn chế tác động tăng giá đối với dầu thô trong phiên sáng đầu tuần.
Tại Mỹ, nguồn cung dầu thô tiếp tục cho thấy các dấu hiệu thu hẹp. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 676 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 14/07. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động lần thứ 10 trong 11 tuần gần đây.
Bên cạnh yếu tố cung – cầu, tác động vĩ mô, cụ thể là tình hình lạm phát tích cực của Mỹ trong tháng 6, cũng hỗ trợ mạnh cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua.
Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 của Mỹ đạt mức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 4% của tháng trước đó.
Tương tự, lạm phát đầu vào sản xuất thông qua chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 6 đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,4% vào tháng 5. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Điều này đã củng cố tâm lý lạc quan của thị trường khi cho rằng lãi suất của Mỹ sắp đạt đỉnh. Đồng USD suy yếu, kéo chỉ số Dollar Index giảm sâu 2,31% xuống mức thấp nhất 15 tuần, qua đó củng cố sức mua trên thị trường dầu thô do chi phí mua hàng bớt đắt đỏ hơn.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu quay đầu khi chạm vùng kháng cự 77,2 USD và mở cửa phiên sáng nay tại vùng hỗ trợ 75 USD. Trên khung H4, giá dầu rơi xuống dưới cạnh giữa của dải Bollinger Band và tiến sát cạnh dưới của dải, hiện cũng đã thấp hơn mức 75 USD, nên nhiều khả năng sẽ hướng về mục tiêu vùng 73,3 – 73,5 USD. Giá có thể sẽ có nhịp hồi lên vùng kháng cự 75 – 75,3 USD và nhà đầu tư có thể mở bán mức này với kỳ vọng chốt lời tại 73,5 USD. Cắt lỗ khi giá vượt 76,1 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)