Kết thúc ngày giao dịch 20/3, giá dầu gặp sức ép khi áp lực bán chốt lời bắt đầu xuất hiện sau chuỗi tăng nóng nhiều phiên liên tiếp. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực về nhu cầu và vĩ mô đã hạn chế đà giảm của giá về cuối phiên.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,76% xuống 81,27 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,64% xuống 85,95 USD/thùng.
Tâm lý thận trọng của thị trường sau đợt tăng nóng của giá dầu, đặc biệt là khi giá đã đi vào vùng quá mua đã khiến áp lực bán dần gia tăng mạnh mẽ, gây sức ép lớn lên giá trong đầu phiên.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dần thu hẹp sau báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Báo cáo cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm 1,9 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 1,5 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) và trái ngược với dự báo tăng 10.000 thùng của Reuters. Trong khi đó, tồn kho xăng ghi nhận tuần giảm thứ bảy liên tiếp với mức giảm mạnh 3,3 triệu thùng về 230,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu xăng nội địa tại Mỹ ngày càng gia tăng.
Tín hiệu nguồn cung thắt chặt từ phía Nga cũng góp phần hạn chế đà giảm của giá. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga gần như xóa sạch mức tăng trong tuần trước do hoạt động bảo trì tại cảng Primorsk ở Baltic và gió mạnh xung quanh Kozmino trên bờ biển Thái Bình Dương ảnh hưởng đến các chuyến hàng từ hai cảng dầu quan trọng nhất. Theo đó, lưu lượng dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần tính đến ngày 17/3 đã giảm 730.000 thùng/ngày xuống 2,97 triệu thùng. Mức trung bình 4 tuần ít biến động hơn cũng ghi nhận mức giảm khoảng 40.000 thùng/ngày xuống còn 3,28 triệu thùng/ngày.
Đáng chú ý, sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 19 – 20/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ năm liên tiếp ở phạm vi 5,25 - 5,5%. FED vẫn giữ nguyên dự báo sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm, lạc quan hơn so với một số dự đoán của thị trường khi cho rằng FED sẽ chỉ còn 2 lần cắt giảm. Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nhắc lại rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn có ý định cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Kỳ vọng FED sớm xoay trục chính sách tiền tệ trong năm nay đã thúc đẩy đáng kể tâm lý tích cực của thị trường, hỗ trợ giá dầu về cuối phiên.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Áp lực bán bắt đầu xuất hiện khi phiên hôm trước đóng nến bằng một cây nến giảm mạnh. Tuy nhiên, nến có sự rút chân nhẹ, cho thấy lực đỡ về cuối phiên. Trên khung 4H, mẫu hình bullish piercing pattern hình thành, trong khi hai đường %D và %K của Stoch RSI cũng đã bắt đầu cắt lên từ vùng quá bán. Dự báo giá dầu có thể sẽ có một nhịp phục hồi nhẹ lên vùng 82 – 82,2 USD, trước khi giảm trở lại vùng 80 – 80,2 USD. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán với tỷ trọng thấp tại 82 – 82,2 USD, với kỳ vọng chốt lời tại 80 – 80,2 USD và cắt lỗ nếu giá tăng quá 83,5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)