Bản tin MXV Năng lượng 25/04: Dầu thô giảm mạnh trong tuần trước một loạt thông tin tiêu cực trên thị trường
01:48 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Tư, 2022

Dầu thô giảm trở lại trong tuần vừa rồi, với một loạt các thông tin tiêu cực đến từ lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới suy yếu. Kết thúc tuần 22/04, giá dầu WTI giảm 4,05% xuống 102,07 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 4,52% xuống 106,65 USD/thùng.

Dầu thô tiếp tục chịu áp lực từ các thông tin mới từ diễn biến dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh liên tục gia tăng ngay cả tại các khu vực đã tiến hành phong tỏa trong một thời gian dài như Thượng Hải khiến cho kế hoạch mở cửa trở lại sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động, sản xuất, sinh hoạt của Trung Quốc và có thể khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay trong tháng 4 giảm đến 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức 1,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng đang có dấu hiệu suy yếu dần ở châu Âu do chi phí đắt đỏ. Theo dữ liệu mới của Euroilstock, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu chỉ chế biến 9,04 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 3, giảm 4% so với một tháng trước đó.

Bên cạnh đó, việc các tổ chức lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,4% xuống còn 3,6% trong năm 2022 cũng tạo ra áp lực chung đối với thị trường tài chính và thị trường dầu thô. Gần 20% nhu cầu tiêu thụ dầu được sử dụng trong ngành sản xuất, công nghiệp, do đó thông tin này gây ra áp lực lớn trong cá phiên đầu tuần. Thêm vào đó, việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed cho biết sẽ chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời cảnh báo về áp lực lạm phát cũng như khả năng kinh tế đình trệ trong phát biểu thứ 5 cũng khiến dòng tiền trên thị trường chuyển dịch sang các tài sản an toàn như đồng Dollar Mỹ. Điều này càng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô, và gây áp lực khiến giá tiếp tục điều chỉnh.

Trong khi đó, dù các gián đoạn từ nguồn cung của Libya, với thiệt hại sản lượng ước tính khoảng 550.000 thùng/ngày do các cuộc biểu tình, tuy nhiên thông tin này cũng không đủ để giúp giá phục hồi. Việc các nước châu Âu chưa áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trở thành tâm điểm được chú trọng hơn. Nhất là khi hiện tại Liên minh châu Âu EU còn cho biết một số công ty có thể tìm cách thanh toán các hợp đồng khí theo đồng rúp mà không vi phạm quy định của nhóm, cho thấy EU về tổng thể phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga và sẽ khó có thể gia tăng trừng phạt. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Theo dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu khí trong tuần vừa rồi tại Mỹ chỉ tăng thêm 2 lên tổng cộng 695 giàn đang hoạt động.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI và MACD đang có dấu hiệu đi xuống, với MACD hiện đã cắt xuống dưới đường Signal. Dải Bollinger Bands thu hẹp lại cho thấy giá có thể sắp bước vào vùng tích lũy. Giá hiện đang giằng co ở vùng hỗ trợ 100 USD/thùng trong khi ở cách khá xa kháng cự 104,2 USD/thùng, có thể tạo ra điểm bán mới. Canh bán hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 06/2022 ở vùng 101 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: