Thị trường dầu trải qua một phiên giao dịch biến động mạnh ngay từ đầu tuần. Kết thúc ngày 28/11, giá dầu thô WTI tăng 1,26% lên 77,24 USD/thùng, giá dầu thô Brent gần như không đổi, chỉ nhích nhẹ 0,06% lên 83,89 USD/thùng.
Trong phần lớn thời gian của phiên, giá dầu chịu áp lực bán mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp của Trung Quốc. Việc các nhà chức trách kiên trì với mục tiêu Zero – Covid và áp dụng các chính sách chống dịch nghiêm ngặt đang làm gia tăng lo ngại về những bất ổn xã hội và suy thoái kinh tế, trực tiếp làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang ở trong trạng thái bù hoãn mua (contango) – tình trạng giá trên thị trường hàng hóa tương lai cao hơn so với giá giao ngay trên thị trường hàng thực, một dấu hiệu phản ánh tình trạng thị trường dư cung.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sức mua quay trở lại thị trường ngày một nhiều và giúp cho giá dầu lấy lại sắc xanh. Chất xúc tác chính cho sự đảo chiều này đến từ động thái của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Các nhà lãnh đạo của nhóm đang cân nhắc việc cắt giảm sản lượng dầu mạnh tay hơn để đảm bảo sự cân bằng của cán cân – cung cầu.
Theo Bloomberg, 10/16 nhà giao dịch và nhà phân tích được khảo sát trong tuần này đã dự đoán một đợt cắt giảm nguồn cung mới của nhóm, với ước tính dao động từ 250.000 đến 2 triệu thùng mỗi ngày. Thông tin chính thức sẽ được đưa ra trong cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12 sắp tới.
Tại châu Âu, cuộc đàm phán về việc áp mức giá trần với dầu thô của Nga vẫn đang bế tắc, khi mà chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Các nhà chức trách đang cân nhắc có thể áp dụng mức giá trần thấp tới 62 USD/thùng với dầu thô xuất khẩu từ Nga, thấp hơn so với mức đề xuất trước đó là 65 USD/thùng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng theo dõi các tin tức liên quan tới việc Tập đoàn Chevron được cấp giấy phép để tiếp tục sản xuất dầu ở Venezuela, sau khi các lệnh trừng phạt đã tạm dừng tất cả các hoạt động từ gần ba năm trước. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Chevron, Mike Wirth cho biết sẽ mất nhiều năm để tân trang lại các mỏ dầu đó, đồng nghĩa với việc sản lượng sẽ không được bổ sung ngay lập tức.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu hiện vẫn đang chịu nhiều sức ép bán hơn khi mà Bollinger Band ngày càng mở rộng và hướng về phía dưới, các chỉ số RSI và MACD cũng phản ánh việc sức bán áp đảo. Mặc dù vậy, mức 75 USD vẫn là mức hỗ trợ cứng với giá dầu WTI. Trong phiên sáng, giá sẽ không biến động nhiều, nhà đầu tư có thể cân nhắc lướt sóng ngắn hạn bằng việc mở vị thế bán từ 77,3 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 76,3 USD. Cắt lỗ khi giá vượt 78 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)