Sau các buổi làm việc với các Thương nhân đầu mối, Tổng đại lý, Đại lý ở các tỉnh phía Bắc và các chuyên gia kinh tế nhằm đề xuất các kiến nghị cócăn cứ khoa học và tính thực tiễn của mình, ngày 17 tháng 05 năm 2013, Hiệp hội Xăng dầu Việt nam (VINPA) đã phối hợp cùng với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP.
Thành phần tham gia Hội thảo bao gồm:
1-TS. Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, Phó Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP;
2-Các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp …
3-Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
4-Đại diện các thương nhân đầu mối;
5-Đại diện các Tổng đại lý xăng dầu;
6-Các cơ quan báo chí và truyền hình;
Sau diễn văn khai mạc Hội thảo của Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - TS. Võ Văn Quyền đã đọc bản tham luận về quan điểm của Bộ Công Thương trong việc sửa đổi và bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Trên cơ sở các quan điểm chủ đạo của Hiệp hội trong việc góp ý cho Nghị định này, Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội - đã trình bày những ưu điểm và những bất cập trong việc tổ chức thực hiện Nghị định và qua đó đề xuất những điều khoản cần sửa đổi và bổ sung của Nghị định.
Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn nhằm tạo ra một cơ chế quản lý mới hội đủ các căn cứ khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có được những chủ động nhất định trong hoạt động kinh doanh của mình và các cơ quan quản lý có được những điều kiện thuận lợi và hữu hiệu nhất để quản lý lĩnh vực này theo đúng cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Sau hai bài tham luận của Ông Võ Văn Quyền và Ông Phan Thuế Ruệ, Hội thảo tập trung vào việc đóng góp ý kiến vào các chủ đề chính sau đây:
1-Điều kiện đối với Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (Điều 13)
Đề nghị bỏ điều kiện phải có kho và bể chứa xăng dầu vì đây là điều kiện mà không một tổng đại lý nào có thể đáp ứng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam.
2-Quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý và đại lý (Điều 17).
Để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh và sự công bằng từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ, Hội thảo đề nghị Thủ tướng cho phép Tổng đại lý được quyền ký hợp đồng làm Tổng đại lý với hai thương nhân đầu mối và một đại lý được ký kết hợp đồng đại lý với hai Tổng đại lý.
Thêm vào đó, việc đưa tổng đại lý là đối tượng thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu cần phải cân nhắc thêm vì xét trên nhiều khía cạnh đó là trách nhiệm của các thương nhân đầu mối trong khi tổng đại lý chỉ đơn thuần là cầu nối giữa các thương nhân này và các đại lý bán lẻ.
3-Thuế nhập khẩu xăng dầu (Điều 25):
Để tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước và tính minh bạch khi định giá bán lẻ, Hội thảo đề xuất Bộ Tài chính ổn định giá nhập khẩu bằng giá trị tuyệt đối trong thời hạn một năm.
Trong trường hợp, nếu thuế nhập khẩu vẫn được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu thì việc tăng hay giảm thuế nhập khẩu được tiến hành một khi giá xăng dầu vượt quá biên độ khung do Nhà nước quy định.
4-Quỹ bình ổn giá (Điều 26):
Do những bất cập từ nguyên tắc trích lập, phương thức quản lý và sử dụng Quỹ nên đại đa số các đại biểu tham gia Hội thảo đề xuất với các cơ quan hữu quan bỏ Quỹ bình ổn giá nếu doanh nghiệp đầu mối được quyết định giá bán lẻ trong biên độ khung do Nhà nước quy định.
5-Phương thức định giá bán lẻ xăng dầu (Điều 27 của Nghị định):
Hội thảo nhất trí phương án để các Thương nhân đầu mối định giá bán lẻ xăng dầu trong biên độ khung do Nhà nước quy định. Tuy vậy, có hai ý kiến khác nhau về “biên độ khung do Nhà nước quy định”, cụ thể là:
Phương án 1, biên độ khung được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) cụ thể khi các yếu tố cấu thành giá bán lẻ biến động làm tăng giá cơ sở.
Phương án 2, biên độ khung được xác định bằng giá trần.
Phần lớn các đại biểu của Hội thảo thiên về phương án 1 vì xét về mặt lý thuyết, mức “giá trần’ có thể xác định được bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng trên thực tế để có được mức “giá trần chuẩn” có khả năng “tham chiếu” trong một khoảng thời gian nhất định cho xăng dầu là không đơn giản vì xăng dầu là mặt hàng có giá luôn biến động trên thị trường thế giới và khu vực. Nếu mức giá trần xác định không phù hợp với tình hình thực tế sẽ làm cho doanh nghiệp hoặc “bị lỗ” hoặc sẽ “có lãi”. Việc “lỗ” hoặc “lãi” này là do “cơ chế sai” chứ không phải thước đo đánh giá năng lực kinh doanh thực sự của doanh nghiệp và cả hai trường hợp đó đều không thể đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Quan điểm này hoàn toàn toàn phù hợp với ý kiến của các chuyên gia kinh tế phát biểu tại Hội thảo khoa học do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức vào ngày 13 tháng 5 năm 2013.
Bên cạnh những chủ đề chính được nhiều đại biểu góp ý tham luận nói trên, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, TS. Quyền đã phải sử dụng hình ảnh văn học trong truyện Kiều “bên ngoài bức xúc bên trong khóc thầm” để miêu tả nỗi cơ cực không biết chia sẻ cùng ai của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hầu hết các thương nhân đầu mối đều bị lỗ do cơ chế (mua mười bán tám để thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Nhà nước) nhưng cũng chẳng dám kêu ai vì một khi dư luận xã hội đã liệt họ vào hạng “tội đồ” thì hành động “khóc thầm” cũng là dễ hiểu. Liên quan đến việc định giá xăng dầu bằng các biện pháp hành chính, trong một số trường hợp ngay cả những người trong cuộc cũng “bàng hoàng” khi giá bán lẻ trong nước tăng trong lúc giá dầu thế giới giảm … gây bức xúc trong xã hội và tốn không ít giấy mực của các cơ quan truyền thông . Hay nói một cách khác, việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cơ quan chức năng bằng Nghị định 84/2009/NĐ-CP còn rất nhiều điều phải xem xét như trong Bản kiến nghị của Hiệp hội.
Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước không có những “hạt sạn” cần loại bỏ: những vấn nạn gian lận thương mại, những vụ buôn lậu xăng dầu qua biên giới vv… vẫn còn đó. Nhưng có lẽ đã đến lúc, xã hội nên có những nhìn nhận khách quan hơn với những người đã trót dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh đầy tính đặc thù này. Nhân đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xin chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã kịp thời đưa những tin bài khách quan về Hội thảo nói trên. Tuy vậy, do chưa nghiên cứu kỹ Nghị định 84/2009/NĐ-CP cũng như hai bản góp ý sửa đổi Nghị định của Ban soạn thảo nên vẫn còn có một số ít các bài viết còn nhầm lẫn những khái niệm gây hiểu lầm cho độc giả.
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo nên phần lớn những đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong việc sửa đổi và bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu trong Hội thảo và chúng tôi hy vọng rằng những đề xuất này sẽ được Ban soạn thảo xem xét và cụ thể hóa vào các điều khoản cụ thể của Nghị định. Chúng tôi nghĩ rằng, làm được điều đó là Hiệp hội đã góp phần hướng tới mục tiêu không còn cảnh “bên ngoài bức xúc bên trong khóc thầm”.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu
Hội thảo thu hút đông đảo các cơ quan và báo chí
Ông Nguyễn Thế Dũng –TGĐ Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
ÔngNguyễn Văn Tiu– Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự Lực I
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng
Ông Lê Minh Quốc - Phó TGĐ Công ty CP Hóa dầu Quân đội
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng góp ý kiến
Ông Trịnh Quang Khanh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội thảo
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)