Thiết lập thị trường xăng dầu cạnh tranh – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc (Kỳ cuối)
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN
04:22 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Mười Một, 2014

(VINPA) - Phần 3: Những kinh nghiệm rút ra

1. Quyết tâm của Chính phủ và trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế chính sách

Chính phủ Hàn Quốc năm 1997 đã quyết định và quyết tâm chuyển cơ chế thị trường chưa đầy đủ sang cơ chế thị trường đầy đủ đối với thị trường xăng dầu nội địa Hàn Quốc, giao cho doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ, dỡ bỏ những cơ chế chính sách không phù hợp, cởi trói cho thị trường để nhanh chóng thiết lập cơ chế thị trường đầy đủ đúng với quy luật khách quan vốn có của nó. Quá trình chuyển đổi này được hoàn thành ngay những năm sau đó (vào khoảng 1998 – 2000). Trao đổi với các bạn Hàn Quốc, tôi nhận thấy Quyết định của Chính phủ đã được cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan hoạch định cơ chế chính sách đã đi sâu thực tế, nắm bắt đầy đủ các thông tin từ thị trường; từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, các chuyên gia để đưa ra các cơ chế chính sách minh bạch, cụ thể phù hợp làm cho quyết định của Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng đi vào cuộc sống, thực hiện được mục tiêu của Chính phủ.

Kinh nghiệm cá nhân tôi rút ra là: các cơ quan hoạch định cơ chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, không thoát ly thực tiễn, thậm chí không được đi sau thực tiễn, không duy ý chí, không áp đặt những quy định thiếu tính khả thi, chứa đựng ý chí chủ quan vào các văn bản quy phạm pháp luật. Ở nước ta, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là mặt hàng trong diện cần quản lý. Khi ta quyết tâm thực hiện cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của nhà nước thì phải khẳng định, làm rõ nội dung, yếu tố quản lý bằng các quy phạm pháp luật một cách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng cái cần quản lý thì bỏ, cái không cần quản lý thì quản lý chặt, cái gì không quản lý được thì cấm. Các văn bản quản lý đôi khi không rõ ràng, minh bạch, hiểu thế nào cũng được, làm khó khăn cho các đối tác tham gia thị trường, gây hoài nghi cho người tiêu dùng và dư luận xã hội.

2. Phát triển thị trường xăng dầu cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh vẫn rất cần đưa ra chiến lược dài hạn và quy hoạch tổng thể, chi tiết, phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội của đất nước.

Hạ tầng thị trường trong nước đầu tư rất lớn, giao thông, cầu cảng, bồn chứa, phương tiện vận chuyển trong nước, quốc tế, hệ thống đường ống dẫn, hệ thống các cửa hàng bán lẻ,… đòi hỏi đầu tư đồng bộ, phải kết hợp đầu tư công tư, trong đó hệ thống doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, nhà nước hỗ trợ một phần trong giai đoạn đầu. Kinh nghiệm của Hàn quốc, nhà máy lọc dầu của Tập đoàn SK Energy ngày nay được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng từ năm 1982, sau đó giao dần cho doanh nghiệp, hay nhà máy đóng tàu biển, chủ yếu tàu chở dầu được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư từ năm 1972 bằng nguồn tiền đền bù chiến tranh của Nhật Bản. Ngày nay kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngành xăng dầu Hàn Quốc có đủ khả năng đảm bảo cho nhu cầu phát triển đất nước trong những năm tới.

3. Để hình thành, vận hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, cần khẳng định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tác nhân tham gia thị trường, từ chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân đến người tiêu dùng.

Quyền lợi và trách nhiệm được cân bằng và được quy định bằng quy phạm pháp luật, lợi ích quốc gia, vai trò chính phủ được mọi công dân tôn trọng và có nghĩa vụ bảo vệ như phần trên đã trình bày, phần thu cho ngân sách quốc gia trong bất kỳ tình huống nào cũng phải được đảm bảo và được ấn định bằng các sắc thuế.

Đối với xăng dầu, bình quân nhà nước thu khoảng xấp xỉ 45% của giá bán lẻ, cao hơn mức thu cho ngân sách của Việt Nam (khoảng 39 – 41% bình quân). Đối với doanh nghiệp, doanh nhân phải tuân thủ mọi quy định của luật pháp, hoạt động kinh doanh theo luật pháp, hưởng lợi ích chính đáng do kinh doanh mang lại và có nghĩa vụ nộp thuế, các khoản thu được quy định của pháp luật, có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua chiến lược kinh doanh bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, của người tiêu dùng ngày một cao. Đối với người tiêu dùng, để được hưởng những lợi ích mang lại của thị trường, người tiêu dùng, kể cả các hộ tiêu thụ lớn cần chủ động điều chỉnh giá dịch vụ đầu ra của mình cho thích hợp, áp dụng công nghệ quản lý điều hành vào điều chỉnh giá dịch vụ cho phù hợp với biến động giá xăng dầu; cần phản hồi đầy đủ những thông tin về cơ chế chính sách của chính phủ, chất lượng cung ứng dịch vụ, tiện ích của thị trường và yêu cầu nhà cung ứng phải công khai minh bạch những thông tin về thị trường.

Bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nhân, doanh nghiệp xăng dầu là mục tiêu của bất kỳ quốc gia nào khi thực thi các quy định của pháp luật. Chỉ khi nào cân bằng được lợi ích và tương thích với nghĩa vụ thì thị trường xăng dầu mới thật sự ổn định, tạo điều kiện để đưa thị trường xăng dầu sang cơ chế thị trường đầy đủ và cạnh tranh lành mạnh.

Nguồn: