Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam đã nghiên cứu kỹ Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương ngày 15-09-2014. Hiệp hội đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 83 và lấy ý kiến của các thành viên Hiệp hội tham gia góp ý để sớm có Thông tư hướng dẫn những nội dung cụ thể của Nghị định 83.
Rút kinh nghiệm từ Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP, Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam cho rằng nên có Thông tư Liên bộ (Bộ Công Thương – Bộ Tài Chính…) để Nghị định 83 được triển khai thực hiện đồng bộ, cụ thể và minh bạch những nội dung mà Nghị định 83 không nêu cụ thể.
Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam xin tập trung góp ý những nội dung cần hướng dẫn cụ thể của Nghị định 83:
1. Về hình thức đại lý:
Tất cả các Khoản của các Điều (Khoản 4 Điều 9, Khoản 2 Điều 15, Khoản 1,2,3,4 Điều 18) đều quy định kinh doanh theo hình thức đại lý hưởng thù lao (hoa hồng). Hình thức đại lý này đã được quy định tại Nghị định 84 cũ, nhưng thực tế các thương nhân kinh doanh xăng dầu đều ký hợp đồng mua đứt bán đoạn.
Theo Điều 169 Luật Thương mại quy định có 04 hình thức đại lý:
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hính thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Hiệp hội xin đề xuất: hình thức đại lý hoa hồng trong Nghị định 83 quy định là quy định chung, còn thực tế nên hướng dẫn các thương nhân tự chọn hình thức đại lý mà các bên thỏa thuận.
2. Cần làm rõ thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu (Mục 8 Chương II)
Tại Khoản 18 Điều 9, Khoản 2 Điều 41 quy định như vậy là quá chặt chẽ. Thực tiễn khi đăng ký kinh doanh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đều có chức năng cho thuê kho, bể; mặt khác, các đơn vị đang thuê kho, bể của nhau vừa để sử dụng hết cơ sở vật chất kỹ thuật, vừa tiết giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh (Vinapco đang thuê kho của Petrolimex là ví dụ). Đề nghị Thông tư Liên bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định cần có “Độ mở” để phù hợp với thực tiễn kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
3. Về thuế nhập khẩu xăng dầu (Điều 36 Chương III)
Hiệp hội đề nghị ổn định thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ít nhất trong thời hạn 06 tháng. Được như vậy sẽ thuận lợi cho việc tính giá cơ sở xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối chủ động xây dựng phương án kinh doanh, Nhà nước tính toán được nguồn thu để cân đối vĩ mô, thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
4. Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Điều 37 Chương III)
Hội nghị đánh giá cao vai trò, tác dụng của Quỹ bình ổn giá và thấy rằng việc hình thành Quỹ bình ổn giá là cần thiết tham gia vào việc bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá còn có thời điểm bất cập, gây bức xúc trong dư luận về tính công khai, minh bạch.
Tại Điểm C Khoản 2 Điều 37 “Việc trích lập vào Quỹ bình ổn giá được thực hiện thường xuyên, liên tục…” Có thể nói đây là sự đóng góp của người tiêu dùng, do vậy Liên bộ cần điều chỉnh mức trích lập ở từng thời điểm cho phù hợp với biến động của thị trường là cần thiết.
Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá cần phải được công khai và phải được thể hiện rõ trong Thông tư Liên bộ, cụ thể: Trích Quỹ bình ổn giá là bao nhiêu; thời điểm bắt đầu và kết thúc sử dụng Quỹ bình ổn giá; cần có chế tài buộc các đơn vị thực hiện nghiêm Điều 39 về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu…để các Cơ quan quản lý kiểm soát, để doanh nghiệp triển khai thực hiện, để người tiêu dùng chia sẻ và cùng giám sát.
5. Về giá bán xăng dầu
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi ba phần trăm (≤3%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá. Tuy nhiên tại Điểm C Khoản 1 Điều 38 “Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu” thì thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười lăm ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười lăm ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc khống chế thời gian tăng giá tối thiểu 15 ngày tại Nghị định 83 đã quy định cần phải hướng dẫn rõ, cụ thể thời gian khống chế mỗi lần tăng giá để quyền quyết định điều chỉnh giá của doanh nghiệp (tăng giá) như quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 38 của Nghị định 83 không bị vô hiệu hóa.
6. Về chi phí kinh doanh định mức
Đề nghị Liên bộ xác định chi phí kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp hợp lý từ khâu tạo nguồn đến bán ra, chi phí kinh doanh định mức cần được ban hành sớm, làm căn cứ xác định giá cơ sở và vận hành giá bán theo biến động giá Thế giới.
Hiệp hội xin lưu ý: Trong cơ cấu chi phí kinh doanh định mức cần bổ sung thêm chi phí hao hụt nhập khẩu, chi phí phát sinh tài chính (chênh lệch tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng phải trả cho khoản nộp thuế nhập khẩu ngay khi hàng về cảng…), hệ số trượt giá (CPI)…để tổng chi phí định mức được xác định hợp lý nhằm tránh cho doanh nghiệp bị lỗ do cơ chế. Mặt khác, việc ban hành chi phí kinh doanh định mức nên chăng được ban hành bằng phụ lục đính kèm Thông tư, vì chi phí kinh doanh định mức được đánh giá, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính mỗi khi ban hành lại chi phí kinh doanh định mức khi thấy bất hợp lý.
7. Công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các chế tài
Cần bổ sung vào Nghị định 83 một chương “Thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm”; hoặc có một Nghị định riêng về “Thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm”. Vì, nếu kết cấu là một mục của Thông tư Liên bộ thì tính hiệu lực không cao.
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)