Phúc trả lời công văn số 10204/BCT-TTTN ngày 15-10-2014 về việc góp ý dự thảo Thông tư Liên tịch hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam xin tập trung góp ý những nội dung sau:
1. Về hình thức đại lý xăng dầu
Thông tư Liên tịch không có hướng dẫn cụ thể. Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, tất cả các Khoản của các Điều (Khoản 4 Điều 9, Khoản 2 Điều 15, Khoản 1,2,3,4 Điều 18) đều quy định kinh doanh theo hình thức Đại lý hưởng thù lao (hoa hồng). Hình thức Đại lý này đã được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP cũ, nhưng thực tế các thương nhân kinh doanh xăng dầu đều ký hợp đồng mua đứt bán đoạn.
Hiệp Hội đề xuất:
-Thông tư liên tịch nên hướng dẫn các thương nhân tự chọn hình thức Đại lý mà các bên thỏa thuận. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với Điều 169 Luật Thương Mại.
- Không nên khống chế mức thù lao Đại lý (như đã quy định tại Thông báo 135/BTC, Thông báo 308/BTC) mà nên để bên giao và bên nhận Đại lý thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Vì: căn cứ vào giá nhập từng thời kỳ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh của từng đầu mối và hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp; mặt khác sau khi có Thông báo 135 và Thông báo 308, các đầu mối và các đại lý đều gửi báo cáo tới Hiệp Hội, đề nhị Hiệp hội làm việc với Bộ Tài Chính về quy định mức thù lao trên là không thực tiễn. Hiệp Hội đã khảo sát và đã có văn bản báo cáo Bộ Tài Chính để điều chỉnh thù lao Đại lý cho phù hợp.
2. Về thuế nhập khẩu xăng dầu
Thông tư Liên tịch không hướng dẫn nên Hiệp Hội tiếp tục đề nghị ổn định thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ít nhất trong thời hạn 06 tháng. Được như vậy sẽ thuận lợi cho việc tính giá cơ sở, các doanh nghiệp đầu mối chủ động xây dựng phương án kinh doanh, Nhà nước tính toán được nguồn thu để cân đối vĩ mô, thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
3. Về chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở
- Tại Khoản a Điều 06 Dự thảo Thông tư Liên tịch nên viết lại là: “Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu bình quân để tính giá cơ sở (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế và đã bao gồm chi phí dành cho Tổng đại lý, Đại lý)”
- Cần xem xét lại chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước vì có doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn cả nước, có doanh nghiệp kinh doanh ở địa bàn hẹp hơn nhiều.
- Nên quy định rõ chi phí bình quân là chi phí tại vùng 1. Còn vùng 2 các doanh nghiệp được cộng thêm hai (02) phần trăm so với chi phí bình quân tại vùng 1.
- Cứ 01 năm/ 01 lần, Bộ Tài Chính sẽ rà soát lại chi phí kinh doanh định mức để phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối và thông báo điều chỉnh ngay từ đầu năm kế hoạch, giúp cho các doanh nghiệp điều hành kinh doanh đạt hiệu quả cao.
4. Về cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá
Tại Mục b Khoản 2 Điều 8 Thông tư Liên tịch hướng dẫn quá rườm rà và không tính hết những trường hợp cụ thể như giá cơ sở tăng đến 4,5%, nếu thực hiện theo Thông tư Liên tịch khi được bù đắp bằng Quỹ bình ổn giá sẽ bất hợp lý so với trường hợp Giá cơ sở tăng đến 4%.
Hiệp hội đề nghị Thông tư Liên tịch hướng dẫn đúng như Khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014 NĐ-CP, cụ thể:
- Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% (≤ 3%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở…trường hợp này không phải sử dụng Quỹ bình ổn giá.
- Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% (> 3%) đến 7% (≤ 7%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán trong phạm vi đến 3% cộng thêm 50% của mức chênh lệch giá từ 3% đến 7%; 50% của mức chênh lệch còn lại được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá. Thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (Liên bộ Công thương – Tài chính).
5. Công tác thanh tra, kiểm tra và các chế tài
Cần bổ sung vào Nghị định 83/2014/NĐ-CP một chương “Thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm”, hoặc có một Nghị định riêng về “Thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm”. Vì, nếu kết cấu là một Mục của Thông tư Liên tịch thì tính hiệu lực không cao.
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư Liên tịch hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)