Ngày 23/12/2022 vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (HHXDVN) đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 với sự góp mặt của các hội viên của Hiệp hội và lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chủ trì hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Ông Bùi Ngọc Bảo đã trao quyết định chứng nhận hội viên cho các đơn vị mới gia nhập. Từ tháng 4/2022 đến hết năm 2022, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã phát triển thêm 07 hội viên, bao gồm Công ty TNHH Xăng dầu Nghệ An và 06 thương nhân phân phối: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng, Công ty TNHH Huy Hoàng, Công ty TNHH Xăng dầu Quyết Tiến, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, Công ty Cổ phần Sơn Lâm, Công ty TNHH Đậu Thắm.
Các hội viên mới nhận giấy chứng nhận hội viên chính thức của Hiệp hội
Tiếp nối chương trình, ông Trịnh Quanh Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2022.
Phân tích sâu hơn về tình hình diễn biến xăng dầu trong nước và thế giới được đề cập đến trong báo cáo, Chủ tịch VINPA cũng chỉ ra rằng năm 2022 là một năm mà giá dầu có những diễn biến và biên độ rất bất thường và chủ yếu bị chi phối bởi những tác động địa chính trị như chiến tranh Ukraine – Nga, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc,…Ông Bảo cũng nhấn mạnh rằng năm 2022 là năm để lại dấu ấn vô cùng đặc biệt khi lần đầu tiên có sự tách bạch nguồn nhập khẩu và nguồn trong nước trong công thức giá cơ sở; lần đầu tiên chênh lệch giá Crack (chênh lệch giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ đó) giữa xăng và dầu diesel có sự khác biệt rất lớn; năm đầu tiên giá bán lẻ diesel vượt giá xăng, năm đầu tiên có hiện tượng chiết khấu xăng dầu bằng không.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch VINPA điều hành hội nghị
Đề cập đến một nội dung hết sức quan trọng là sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch VINPA đã đưa ra những luận điểm rất chặt chẽ liên quan đến những bất cập và hướng sửa đổi hai nghị định nói trên, đồng thời xin ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị.
Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex phát biểu tại hội nghị
Ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng mặc dù xăng dầu là mặt hàng được định hướng theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước nhưng trong trong nghị định sửa đổi sắp tới cần điều tiết để liều lượng của yếu tố thị trường nhiều hơn so với quản lý nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đại diện Petrolimex cũng đề xuất một số nội dung như: trong công thức tính giá cơ sở không nên tách biệt nguồn nhập khẩu và nguồn trong nước để tránh thiệt thòi cho những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều nhưng tỷ trọng được tính theo giá cơ sở lại thấp; tính giá MOPS 20 ngày để trùng với quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc của các doanh nghiệp đầu mối, tránh lệch pha với hàng tồn kho; điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào thứ 6 hàng tuần để luôn có 1 tuần có giá; biên độ tăng giá từ 3-5% doanh nghiệp được tự quyền quyết định giá, từ 5-10% Liên Bộ sẽ quyết định giá, trên 10% thì trình Thủ tướng quyết định.
ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Saigon Petro tham luận tại hội nghị
Đồng tình với quan điểm của Petrolimex, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho rằng xăng dầu nên trả về cho thị trường quyết định, đồng thời đề xuất chu kỳ điều hành giá 3 ngày để đảm bảo cạnh tranh. Ông cũng cho biết, do Saigon Petro có ít cây xăng nên thời gian qua dù thị trường rất khó khăn nhưng công ty vẫn rất chú trọng và quan tâm tới các thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền. Theo lãnh đạo Saigon Petro, thị trường 6 tháng tới dự kiến vẫn sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, và trong những trường hợp nguồn cung bị hạn chế thì việc đảm bảo dự trữ xăng dầu theo đúng quy định là rất khó.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc BSR phát biểu tại hội nghị
Dưới góc độ của doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu, Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng trình bày một số kiến nghị với Hiệp hội và Vụ Thị trường trong nước: Về premium trong nước, BSR muốn được áp dụng theo giá thị trường vì nguyên liệu dầu thô BSR vẫn phải nhập khẩu và mua theo hình thức đấu thầu quốc tế và hiện nay dầu thô đang hút về châu Âu rất nhiều nên giá premium rất cao. Hiện tại, theo quy định, Nhà máy đang phải dự trữ 15 ngày đối với nguyên liệu dầu thô và 10 ngày đối với thành phẩm nhưng có những thời điểm không đảm bảo số ngày dự trữ lưu thông đối với xăng dầu thành phẩm vì khi thị trường khan hiếm thì BSR cũng phải xuất bán tối đa cho các đầu mối để đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, đại diện của BSR đã xin phép không tham gia vào khâu dự trữ xăng dầu thành phẩm và đề xuất Bộ Công Thương chỉ nên giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các doanh nghiệp, không quy định cứng nguồn nhập khẩu và nguồn trong nước. Ông Thắng cũng kiến nghị đưa dầu DO 10ppm vào mặt hàng điều hành giá trong giá cơ sở, thay cho DO 500pm do hiện nay trên thị trường hầu hết đều không giao dịch mặt hàng DO 500ppm (ngoại trừ Trung Quốc và SriLanka). Về nguồn cung, lãnh đạo BSR cho biết, trong năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến chỉ đạo việc tách riêng và giãn cách xa thời gian bảo dưỡng giữa 2 nhà máy lọc dầu để đảm bảo nguồn cung; BSR sẽ vẫn duy trì hợp đồng với các đầu mối cũ, và sẽ cố gắng phân bổ thêm cho các đầu mối mới.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự lực I chia sẻ tại hội nghị
“Hệ thống bán lẻ đang thua lỗ rất nhiều, từ tháng 6/2022 đến nay không có lãi, nếu cứ kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp ngày càng áp lực. Nhiều doanh nghiệp mất cả vốn điều lệ; chiết khấu cực thấp, nếu trừ chi phí vận tải thì sẽ không đủ chi phí nhập hàng.” Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự lực I. Là một thương nhân phân phối, ông Tiu cho biết, cuối năm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu rất lớn nhưng hiện tại nguồn cung dầu DO đang rất khan hiếm. Ông cũng nhận định rằng việc giá xăng cao không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn và chiết khấu thấp. Mà một trong những nguyên nhân là do hợp đồng ký kết giữa các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chưa chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc nhau về số lượng cũng như trách nhiệm đảm bảo nguồn lúc thuận lợi và khó khăn; có nhiều đại lý ký với một đơn vị những vẫn lấy hàng nhiều nơi, đến khi hết hàng thì lại quay về với đơn vị ký hợp đồng ban đầu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đại diện cho lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong năm 2022 đầy biến động; đồng thời cũng đưa ra một số quan điểm của Vụ xung quanh nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83. Trước hết, về phương thức và công thức điều hành giá, Vụ đưa ra 2 cách tiếp cận: một là vẫn điều hành như cũ, vẫn tách biệt nguồn nhập khẩu và nguồn trong nước nhưng nguồn trong nước thì phải phản ánh premium trong nước mà các doanh nghiệp nhập trong nước đang phải trả. Việc điều hành giá 3 – 5 hay 7 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ thì đều có tính hai mặt. Kể cả năm nay Bộ Tài chính có cập nhật ngay các chi phí thì các doanh nghiệp sẽ vẫn khó khăn vì xu hướng giá của năm nay là downtrend (giảm giá). Cách tiếp cận thứ hai là thiên về hướng trả về cho thị trường điều tiết, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhưng vẫn không được buông lỏng quản lý. Nhà nước sẽ chuyển sang kiểm soát dưới hình thức hậu kiểm, do mỗi doanh nghiệp có một chi phí khác nhau. Hướng đi của Vụ là khi nào giá bình quân thế giới biến động từ 5-10% thì mới can thiệp Quỹ Bình ổn vì mục đích của Quỹ là kiểm soát CPI. Nếu thực hiện được như vậy sẽ nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và không có chuyện găm hàng. Bộ cũng thiên theo hướng không can thiệp quá sâu mà chỉ phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để đảm bảo an ninh năng lượng nhằm tăng tính linh hoạt và tự chủ cho doanh nghiệp xăng dầu. Về vấn đề tước và thu hồi giấy phép, Ông Đông cũng cho rằng những vi phạm vẫn cần phải được xử lý nhưng không được để ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường.
Sau phát biểu của Vụ trưởng, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo nhận định xăng dầu là lĩnh vực có tính chất thụ động cao nhất vì từ trước tới nay Nhà nướcđềuquản lý hết sức chặt chẽ. Giá xăng dầu thế giới và các chi phí biến động hàng ngày, nhưng các quy định của Nhà nước thì không thay đổi, dẫn đến các chi phí trong công thức giá cơ sở luôn bị động và không theo kịp giá thế giới. Do đó, VINPA cũng kiến nghị theo hướng cập nhật premium quốc tế theo tờ Platt’s, kể cả cước tàu,…và áp dụng cơ chế giá dưới 7% doanh nghiệp tự quyết, từ 7% -10% can thiệp bằng quỹ bình ổn, trên 10% xin ý kiến Thủ tướng để thuận lợi cho các nhà nước và doanh nghiệp; bên cạnh đó cũng cần phải làm rõ xem giá như thế nào là biến động bất thường, là gây tác động xấu đến kinh tế - xã hội. Ông cũng cho rằng nếu trong công thức giá cơ sở tách ra 2 nguồn mà cơ chế khác nhau thì các doanh nghiệp sẽ đổ dồn vào nhập hàng từ nguồn rẻ hơn.
Kết luận tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh rằng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đi theo hướng thị trường dần, nhà nước chỉ quản lý ở mức độ nhất định, còn lại trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về nguồn và việc kinh doanh cho chính các doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)