Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý và các doanh nghiệp về sửa đổi Nghị Định 84/2009/NĐ-CP
08:57 SA @ Thứ Năm - 06 Tháng Sáu, 2013

Thời gian qua VINPA đã tổ chức thảo luận với các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, tổ chức hội thảo làm việc với các đầu mối nhập khẩu, một số tổng đại lý, đại lý bán lẻ. Đặc biệt, VINPA đã tổ chức cuộc thảo luận với các chuyên gia quan tâm đến lĩnh vực xăng dầu ngày 13/5/2013, tổ chức hội thảo cùng với Ban soạn thảo Bộ Công Thương ngày 17/5/2013. Hội thảo đã thu thập được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội. Sau khi nghe Ts. Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó ban soạn thảo trình bày nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định 84, nghe ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA trình bày quan điểm, những nội dung chủ yếu cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 84, các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Điều 9

- Bổ sung thêm: Trong hạn ngạch tối thiếu được cấp hàng năm cần chia tiến độ nhập khẩu theo quý để kiểm soát nguồn cung mỗi khi giá dầu thế giới biến động tăng.

- Khoản 12 Điều 9: Các đại biểu thống nhất như kiến nghị VINPA, cụ thể là:

“- Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành trên trang thông tin điện tử của mình.

-  Hàng quý, thương nhân đầu mối có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử tồn Quỹ BOG.

- Cứ 6 tháng, năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử của đơn vị việc trích lập, sử dụng và tồn Quỹ BOG.”

2. Điều 13 (Tiêu chí Tổng đại lý)

- Đa số ý kiến thống nhất như kiến nghị của VINPA, cụ thể là: 

“2.1. Đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 13 vì để có một kho xăng dầu 3.000 m3 cần một diện tích quá lớn trong bối cảnh quỹ đất của các tỉnh và thành phố ngày một hạn hẹp, thời gian để thực hiện dự án quá dài và số tiền đầu tư không nhỏ, thêm vào đó nếu đổ hàng vào kho bể rồi xuất ra cho các cửa hàng sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt tự nhiên do tính chất cơ lý sẽ tăng lên rất nhiều. Thực tiễn bốn năm qua thực hiện NĐ 84/2009/NĐ-CP cho thấy không có Tổng đại lý nào đạt được tiêu thức này.

2.2. Khoản 3: Đề nghị giảm xuống chỉ còn năm (05) cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp và mười (10) cửa hàng xăng dầu làm Đại lý cho Tổng đại lý.

Thực tiễn cho thấy, chỉ với hệ thống 15 cửa hàng xăng dầu (bán bình quân 100m3/ tháng/ cửa hàng xăng dầu) thì đó đã là một Tổng đại lý lớn.

2.3. Bổ sung Điều 13a: Mục 01 nên bỏ và giao cho Sở Công Thương nơi Tổng đại lý đăng ký kinh doanh xác nhận và sau đó Sở Công Thương này có trách nhiệm thông báo cho các Sở Công Thương ở những tỉnh và thành phố khác nơi Tổng đại lý có các đại lý của mình hoạt động.”

3. Điều 17 

Đa số ý kiến cho rằng nên quy định tổng đại lý được ký với tối đa hai (02) thương nhân đầu mối.

4. Điều 21 

Đa số ý kiến cho rằng: Chỉ có thương nhân đầu mối có trách nhiệm dự trữ lưu thông.

5. Điều 25

Đa số ý kiến cho rằng cần ổn định thuế nhập khẩu trong một năm bằng con số phần trăm hoặc áp thuế tuyệt đối đồng/lit hoặc đồng/kg vì Điều 25 Nghị định 84 đã quy định ổn định thuế nhập khẩu, nhưng không quy định thời hạn ổn định nên khi điều hành thuế nhập khẩu đã điều chỉnh liên tục làm khó khăn cho điều hành giá bán lẻ. Lần này khi sửa đổi cần quy định rõ thời hạn ổn định thuế, hầu hết các đại biểu cho rằng thời gian ổn định một (01) năm như kiến nghị của Hiệp hội là hợp lý.

6. Điều 26 

- Nhiều ý kiến của các chuyên gia và một số tổng đại lý, đại lý bán lẻ đề nghị bỏ Quỹ BOG

- Nhiều doanh nghiệp đầu mối lại cho rằng, Quỹ BOG nếu được sử dụng tốt, đúng lúc, đúng mức thì Quỹ BOG sẽ có hiệu quả tốt góp phần bình ổn giá khi có biến động lớn.

- Hiệp hội cho rằng nếu còn Quỹ BOG thì đổi tên thành Quỹ dự trữ tài chính và phải có quyết định riêng của Thủ tướng quyết định phải quy định cụ thể việc trích quỹ, quản lý và sử dụng quỹ, không cần có thông tư hướng dẫn của các Bộ.

7. Điều 27

- Nhiều ý kiến khác nhau về cách chọn phương án giá của Ban dự thảo đưa ra

- Phương án I và III được nhiều đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, cả ba phương án đều phụ thuộc vào thuế nhập khẩu và Quỹ BOG

Nhiều đại biểu nhất trí như diễn giải và đề xuất của VINPA tại phần 8.1.4, cụ thể là: “Trong trường hợp, bỏ Quỹ Bình ổn giá và thuế suất nhập khẩu ổn định trong năm thì Điểm a, Điểm b Khoản 2 sửa là : “Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm thì tối đa trong phạm vi 10 ngày các doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá”.

Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng thì Điểm a Khoản 3 trong dự thảo được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3% (≤ 3%) so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng.” Điểm b của Khoản 3 được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo Điểm a Khoản này cộng thêm 60% của mức giá tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại Nhà nước sẽ bù đắp cho Doanh nghiệp đầu mối”. Điểm c của Khoản 3 sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo luật định.”

Trong mọi trường hợp thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 10 ngày.”


Trên đây là tổng hợp những nội dung cơ bản tuân theo ý kiến đa số của đại biểu.

Cần được phân tích cân nhắc kỹ để xây dựng Dự thảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khi vận hành Nghị định mới không rơi vào những bất cập như khi tổ chức thực hiện Nghị định 84 cũ.