Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tháng 2, giá dầu bất ngờ giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua, với dầu WTI giảm 3,12% xuống 76,41 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 3,07% xuống 82,8 USD/thùng. Bức tranh nhu cầu chưa có sự cải thiện tích cực, trong khi nguồn cung không có nhiều sự thay đổi đã kéo giá dầu suy yếu trong phiên.
Giá dầu mở cửa với đà tăng nhẹ trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ được thúc đẩy sau khi mở cửa. Xuất khẩu dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng trong tháng trước lên khoảng 187.000 thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8. Những hoạt động xuất khẩu này dự kiến sẽ thắt chặt nguồn cung dầu thô ngọt nhẹ trên toàn cầu, trong khi giá dầu WTI Midland, một loại dầu ngọt nhẹ chủ chốt của Mỹ đã tăng lên, giao dịch ở mức cao hơn 2 USD/thùng so với giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ, mức cao nhất kể từ ngày 18/10.
Tuy nhiên, đà tăng đã nhanh chóng bị xoá bỏ, giá dầu liên tục giảm trong nửa cuối phiên trước quyết định giữ nguyên sản lượng của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) và đặc biệt là dữ liệu tồn kho dầu gia tăng trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Quyết định không thay đổi sản lượng của nhóm OPEC+ không nằm ngoài dự đoán của thị trường, phản ánh sự không chắc chắn trong cả yếu tố cung – cầu. Trước đó, Saudi Arabia đã giảm giá bán dầu thô sang châu Á. Chính vì vậy, quyết định không gia tăng sản lượng cho thấy rằng OPEC+ đánh giá nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa mang tính đột phá.
Lực bán đặc biệt được thúc đẩy mạnh mẽ sau báo cáo của EIA, kéo giá dầu liên tục lao dốc. Cơ quan này đã báo cáo tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã tăng vào tuần kết thúc ngày 27/1, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 do nhu cầu vẫn yếu. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 4,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán chỉ tăng 0,4 triệu thùng của thị trường, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu cũng đồng loạt tăng.
Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Mỹ giảm 19.000 thùng, xuất khẩu dầu thô Mỹ cũng giảm hơn 1,2 triệu thùng trong tuần qua so với tuần trước đó. Ngoài ra, một thước đo về nhu cầu, tổng sản phẩm được cung cấp trung bình 4 tuần đạt mức 19,3 triệu thùng, thấp hơn 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dữ liệu đều đang cho thấy bức tranh tiêu thụ suy yếu và điều này đã gây sức ép cho giá dầu giảm khoảng 2 USD/thùng kể từ sau thời điểm ra báo cáo.
Một tâm điểm đáng chú ý khác trên thị trường là quyết định lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua. Mức tăng này không nằm ngoài dự đoán của thị trường, trong khi Chủ tịch Fed mặc dù tiếp tục khẳng định về việc thắt chặt, và không hạ lãi suất trong năm 2023, nhưng kỳ vọng lạc quan của các nhà đầu tư về việc Fed đang tiến gần tới cuối chu kỳ tăng lãi suất, đã hạn chế đà giảm của giá dầu vào cuối phiên.
Ngoài ra, chỉ còn chưa đầy 3 ngày nữa là lệnh cấm vận các sản phẩm dầu tinh chế Nga của các nước phương Tây, nguồn cung dầu vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ủy ban châu Âu đã đề xuất vào tuần trước rằng EU sẽ áp dụng mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thể thống nhất khi Ba Lan và ba quốc gia Baltic vẫn đang thúc đẩy việc đặt giới hạn ở mức thấp hơn, trong khi thỏa thuận rộng hơn giữa các quốc gia Nhóm G7 hi vọng khoảng giá bằng hoặc cao hơn một chút nhằm đảm bảo không làm gián đoạn nguồn cung.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu mở cửa ở vùng hỗ trợ 76,5 USD/thùng theo Fibonacci và đây là vùng tương đối nhạy cảm. MACD cắt xuống đường Signals, khả năng giá sẽ tiếp tục giảm. Nhưng có thể giá sẽ hồi lên 77,7 USD/thùng trước khi suy yếu, các nhà đầu tư có thể canh bán ở mức này và kỳ vọng chốt lời tại 75,8 USD/thùng. Trong trường hợp giá break xuống 75.8 USD/thùng, có thể bán với kỳ vọng chốt lời 74,8 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)