Bản tin MXV Năng lượng 01/08: Dầu thô phục hồi trong tuần giao dịch cuối của tháng 7, nhưng có thể gặp sức ép vì số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc
01:54 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Tám, 2022

Giá dầu thô phục hồi mạnh mẽ tuần thứ hai liên tiếp khi mà những lo ngại về nguồn cung một lần nữa lại lấn át nguy cơ suy thoái kinh tế. Kết thúc tuần giao dịch 25 – 31/7, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 tăng 4,14% lên 98,62 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 5,68% lên 103,97 USD/thùng.

Giá dầu giằng co trong các phiên đầu tuần, bởi các nhà đầu tư chờ đợi các tin tức vĩ mô như chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các số liệu kinh tế của Mỹ. Tại cuộc họp mới nhất của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, tuy nhiên tin tức này không gây sức ép quá nhiều đối với giá dầu, bởi phần lớn mức tăng đã được chiết khấu vào giá trước đó. Đồng USD cũng suy yếu, với chỉ số Dollar Index đánh mất mốc 106 điểm, góp phần hỗ trợ không nhỏ đối với sự hồi phục của giá dầu trong tuần qua.

Về phía các yếu tố cung – cầu, báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục chỉ ra tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, và nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn mạnh mẽ. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 15/07, tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 4,5 triệu thùng, và nếu xét cả mức sụt giảm trong tồn kho dự trữ chiến lược (SPR), con số lên đến 10,1 triệu thùng.

Bên cạnh đó, tồn kho xăng cũng giảm mạnh 3,3 triệu thùng, và tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng giảm 0,8 triệu thùng. Đây là thông tin hỗ trợ mạnh mẽ nhất đối với giá dầu trong tuần vừa qua, khiến cho sức mua quay lại với thị trường, bất chấp việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của Mỹ được công bố tiếp tục giảm 0,9% và làm thổi bùng lên những tranh cãi về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái.

Thị trường không còn quá lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ sụt giảm, thay vào đó, sức mua được gia tăng trong bối cảnh bài toán về nguồn cung hiện vẫn còn rất nan giải, bởi các nhà sản xuất lớn vẫn gặp khó trong vấn đề gia tăng sản lượng.

Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 9 lên 767 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 31/07. Mức tăng trưởng tiếp tục dừng ở mức một chữ số phản ánh những khó khăn nhất định trong việc sản xuất thêm dầu ở Mỹ.

Ngoài ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục sản xuất dưới hạn ngạch đã đề ra trong tháng 6 khoảng 3 triệu thùng. Điều này sẽ khiến cho hy vọng tăng sản lượng trong cuộc họp tháng 8 của OPEC sẽ ngày càng xa vời.

Dù đã hồi phục rất tốt trong tuần trước, tuy nhiên giá dầu nhiều khả năng gặp khó trong hôm nay khi số liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc tiêu cực trở lại, cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn chưa thể phục hồi khi vẫn đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất của nước này giảm xuống dưới 50 điểm, cho thấy sự suy yếu của các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, mới đây, Bộ Trưởng Năng lượng của Lybia, một thành viên của OPEC, cho biết, sản lượng dầu thô của Libya đã phục hồi về mức 1,2 triệu thùng/ngày, sau thời gian sụt giảm vì chịu ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị. Đây là tín hiệu giúp giảm bớt những lo ngại về nguồn cung, nhưng sẽ là yếu tố gây sức ép cho giá dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu WTI và cả chỉ số RSI đều đang tạo đáy thấp hơn và đi lên, cho thấy tín hiệu hồi phục rất tốt. Tuy nhiên, giá vẫn giảm khi chạm cạnh trên của Bollinger Band, tương đương mốc kháng cự tâm lý 100 USD/thùng. Nhà đầu tư nên đợi giá điều chỉnh về khu vực hỗ trợ 95.5 USD rồi mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 98.5 USD.

Nguồn: