Dầu thô kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 trong sắc xanh, kéo dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp, và chính thức đưa giá dầu ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ đầu năm 2022.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên ngày 31/07 với mức tăng 1,51% lên 81,8 USD/thùng, dầu Brent đóng cửa tại mức giá 85,43 USD/thùng sau khi tăng 1,21%. Như vậy, giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 sau khi tăng gần 16% trong tháng 7.
Rủi ro thâm hụt gia tăng khi các nhà phân tích kinh tế cho biết quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia sẽ duy trì chính sách cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày sang tháng 9.
Theo một cuộc khảo sát từ Reuters, sản lượng của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng trước đó. Trong đó, số liệu của đơn vị theo dõi tàu Kpler cho thấy xuất khẩu dầu thô giảm hơn 600.000 thùng/ngày so với tháng 6.
Sự cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia đã kéo theo mức dự đoán giảm khoảng 840.000 thùng dầu/ngày đối với tổng sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7, ước tính đạt mức 27,34 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Điều đó làm gia tăng lo ngại thiếu cung dầu thô nửa cuối năm, trong khi tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tích cực khi bức tranh kinh tế vĩ mô tại Mỹ khởi sắc hơn, và quốc gia nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và họ đã điều chỉnh tăng nhu cầu năm 2023 thêm khoảng 550.000 thùng/ngày dựa trên ước tính tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ và Mỹ.
Tổng sản phẩm được cung cấp từ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ, đại diện cho nhu cầu năng lượng, đã tăng lên 20,78 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019, theo báo cáo mới đây của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Sản lượng dầu thô ở Texas, chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, đạt mức 5,49 triệu thùng/ngày khi nhu cầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất theo mùa.
Thêm vào rủi ro về phía nguồn cung, sản lượng dầu thô ở trung tâm năng lượng của Canada, khu vực Alberta đã giảm 21% xuống còn 2,71 triệu thùng/ngày trong tháng 6, mức thấp nhất trong 7 năm khi các nhà sản xuất cát dầu đang phục hồi sau các vụ cháy rừng. Mỹ là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu từ Canada nhất. Điều này tiếp tục đặt áp lực lên tình trạng nguồn cung thiếu hụt và hỗ trợ cho giá dầu trong phiên.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu thô đã vượt qua mức 80 USD/thùng và đang ổn định trên vùng giá này, điều này hỗ trợ cho việc tiếp tục xu hướng tăng dự kiến trong giai đoạn sắp tới, được hỗ trợ trong kênh tăng giá, nhằm đưa giá dầu có cơ hội hướng tới mức 82,6 USD, sau đó là mức 83,50 làm mục tiêu chính tiếp theo.
Do đó, giá dầu kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhưng có thể sẽ có nhịp điều chỉnh khi RSI khung Daily chạm vùng quá mua. Các nhà đầu tư có thể chờ mua ở vùng 81 USD với kỳ vọng chốt lời 82,5 USD. Cắt lỗ 80,1 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)