Bản tin MXV Năng lượng 03/03: Dầu thô diễn biến giằng co giữa tác động tích cực từ triển vọng nhu cầu và sức ép từ yếu tố vĩ mô
02:12 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Ba, 2023

Dầu thô ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong phiên kết thúc ngày 02/03, nhưng mức tăng thu hẹp lại. Một phần, giá dầu nhận được sự hỗ trợ trước bức tranh nhu cầu tích cực tại khu vực châu Á, nhưng những áp lực vĩ mô tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đã hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,6% lên mức 78,16 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,51% lên 84,74 USD/thùng.

Mở cửa phiên với diễn biến tương đối giằng co trong phiên sáng, sau đó, giá dầu vượt mốc 78 USD/thùng khi thị trường tiếp tục hấp thụ các thông tin tích cực về triển vọng nhu cầu trong tương lai. Theo Reuters, nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục trong tháng này sau khi các nhà máy lọc dầu tận dụng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong nước.

Các công ty tư vấn theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler ước tính gần 43 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Trung Quốc vào tháng 3. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy mức cao trước đây đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga là 42.48 triệu thùng vào tháng 6/2020.

Đà tăng của giá dầu chững lại ngay sau dữ liệu lạm phát tại các quốc gia khu vực châu Âu (EU) củng cố cho tiến trình thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát ở Pháp trong tháng 2 đã tăng lên 7,2% từ 7%, vượt qua dự báo là 7%, trong khi ở Tây Ban Nha, con số tăng lên 6,1% từ 5,9% và cao hơn mức 5,5%. Điều này góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của EU trong tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 8,2% của các nhà kinh tế. Các thị trường hiện định giá 150 điểm cơ bản trong lãi suất tại EU sẽ được bổ sung trong năm ngay, đưa lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lên mức cao nhất là 4%.

Trong khi đó tại Mỹ, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tiếp tục tích cực hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa mức đỉnh lãi suất lên tới 5,5% - 5,75%. Đồng USD mạnh lên, đưa chỉ số Dollar Index tăng trên 0,7% sau dữ liệu. Tuy nhiên, nhận xét của Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic cho rằng Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm "ổn định" trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế đã xoa dịu thị trường và hỗ trợ cho giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên tối.

Bên cạnh đó, Ngân hàng JP Morgan vào hôm qua cho biết Nga sẽ có thể duy trì sản lượng dầu của mình ở mức trước xung đột tại Biển Đen là 10,8 triệu thùng/ngày nhờ nhu cầu ổn định tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã hỗ trợ cho giá. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cho biết Nga sẽ gặp khó khăn trong việc đưa sản lượng quay trở lại mức cao nhất trước đại dịch là 11,3 triệu thùng/ngày.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu vẫn chưa vượt được vùng kháng cự vùng 78,7 USD, rút chân khi chạm cạnh trên của dải Bollinger Band trên khung H4. Nhiều khả năng giá sẽ test về cạnh giữa của dải ở vùng 77,5 USD và dao động với biên độ hẹp. Mặc dù tăng trong phiên hôm qua nhưng khối lượng giao dịch mỏng hơn có thể là tín hiệu cho thấy lực mua suy yếu. Các nhà đầu tư có thể mở bán khi giá lên vùng 78,5 USD với kỳ vọng chốt lời tại 77,5 USD, cắt lỗ khi giá vượt 79 USD.

Nguồn: