Bản tin MXV Năng lượng 04/01: Dầu thô lao dốc hơn 4% khi mây đen che phủ triển vọng kinh tế toàn cầu
02:05 SA @ Thứ Tư - 04 Tháng Giêng, 2023

Giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 do sức ép từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên 3/1, giá dầu thô WTI giảm 4,15% về 76,93 USD/thùng, giá dầu thô WTI giảm 4,43% về 82,10 USD/thùng.

Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày, khi mà các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc các số liệu kinh tế của Trung Quốc. Sức ép bán bắt đầu được xuất hiện một cách rõ ràng sau khi đồng USD tăng mạnh, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức 104,52 điểm, cao nhất trong gần ba tuần. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô đắt đỏ hơn và làm giảm động lực mua của các nhà giao dịch.

Bên cạnh đó, thị trường cũng phản ánh những lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này vẫn phải gồng mình để chống chọi với số ca nhiễm đang tăng hàng ngày. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu diesel) trong đợt đầu tiên của năm 2023 lên 18,99 triệu tấn, cao hơn 46% so với mức 13 triệu tấn được phân bổ một năm trước đó.

Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái tăng xuất khẩu của Trung Quốc đang cho thấy, kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tiếp tục kém đi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hạn ngạch có thể khuyến khích các nhà máy lọc dầu tại quốc gia này tăng công suất và duy trì xuất khẩu nhiên liệu ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, giảm thiểu tác động từ việc cắt giảm xuất khẩu dầu diesel của Nga, khi lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng hai.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư khi cảnh báo rằng cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang đồng thời giảm tốc.

Triển vọng tiêu thụ ảm đạm trong khi sức ép từ phía nguồn cung không quá nhiều khiến cho giá dầu không nhận được nhiều sự hỗ trợ. Chính phủ Mỹ ước tính sản lượng dầu đá phiến tăng trung bình từ 300.000 – 400.000 thùng/ngày vào năm 2023. Mức tăng khá khiêm tốn do các hoạt động sản xuất gặp khó khăn vì nhiều vấn đề về vận hành và nhân sự. Tuy nhiên, sức mua không được cải thiện, bởi tin tức tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ Chevron đang chuẩn bị tiếp nhận lô hàng dầu thô lên tới 500.000 thùng từ Venezuela đã xoa dịu đi nỗi lo về nguồn cung.

Giá khí tự nhiên lao dốc hơn 10% xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng, khi thời tiết ở cả Mỹ và châu Âu đều đã ấm lên với nhiệt độ tăng lên trên mức trung bình.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật, giá dầu lao dốc khi gặp sức bán ở vùng kháng cự là cạnh trên của Bollinger Band. Các chỉ số MACD và RSI đều hướng xuống, cho thấy tín hiệu giá có thể lao dốc về các mức thấp hơn. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán ở mức 77,2 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 75,5 đến 76,2 USD.

Nguồn: