Kết thúc tuần giao dịch 26/2 – 3/3, giá dầu bật tăng mạnh mẽ trở lại sau tuần giảm giá trước đó. Lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá trong tuần qua.
Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 4,55% lên 79,97 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,40% lên 83,55 USD/thùng.
Thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3. Phó Thủ tướng Alexander Novak trước đó đã trình bày với thủ tướng đề xuất đưa ra lệnh cấm tạm thời. Trong một bức thư ngày 21/2, ông lưu ý rằng nhu cầu nhiên liệu theo mùa sẽ sớm tăng ở thị trường nội địa. Động thái này được cho là để bình ổn giá xăng tại Nga trong bối cảnh tiêu thụ phục hồi và các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì. Việc ưu tiên dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Nga sẽ hạn chế nguồn cung ra ngoài thị trường, điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường.
Ngoài ra, kỳ vọng mạnh mẽ về việc nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia giữ giá dầu thô bán cho khách hàng châu Á ít thay đổi trong tháng 4 so với mức tháng 3 cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá. Khảo sát của Reuters với 6 nguồn lọc dầu cho thấy giá bán chính thức (OSP) của loại dầu thô Arab Light hàng đầu có thể không thay đổi hoặc tăng 10-20 cent/thùng trong tháng 4. Điều này xảy ra sau khi cấu trúc thị trường Dubai nhanh chóng mở rộng mức bù hoãn bán 10 cent trong tháng 2 so với tháng trước, phản ánh tình trạng nguồn cung khan hiếm.
Đà tăng của giá cũng được củng cố trước sự suy yếu của đồng USD sau loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ, thúc đẩy kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm hạ lãi suất. Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 2 của Mỹ đạt mức 47,8 điểm, thấp hơn so với dự báo 49,5 điểm và mức 49,1 điểm trong tháng 1. Trong khi đó, khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 đạt 76,9 điểm, thấp hơn nhiều so với dự báo 79,6 điểm và mức 79,0 điểm của tháng trước.
Đáng chú ý, theo thông báo chính thức hôm Chủ nhật từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), một số thành viên OPEC+ đã thông báo gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II/2024. Trong đó, Saudi Arabia giảm 1 triệu thùng/ngày, Iraq (220.000 thùng/ngày), UAE (163.000 thùng/ngày), Kuwait (135.000 thùng/ngày), Kazakhstan (82.000 thùng/ngày), Algeria (51.000 thùng/ngày) và Oman (42.000 thùng/ngày). Ngoài ra, Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu và xuất khẩu tự nguyện 471.000 thùng/ngày. Tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt có thể sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy đà tăng hiện tại của giá dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá duy trì đà tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng và đang phản ứng tại vùng kháng cự tâm lý 80 USD. Phiên hôm trước đóng nến tăng, nhưng râu nến trên dài cho thấy đà tăng dần thu hẹp về cuối phiên. Động lực tăng của giá cũng có dấu hiệu suy yếu khi RSI có xu hướng phân kỳ âm. Trên khung 4H, đà tăng của giá chững lại khi hình thành mẫu hình nến spinning top, theo sau là một nến giảm. Stoch RSI đi vào vùng quá mua, trong khi hai đường %D và %K co hẹp lại và có dấu hiệu cắt xuống. Khung 1H hình thành mẫu hình nến bearish engulfing, theo sau là loạt nến giảm, cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh mẽ. Dự báo giá có thể điều chỉnh giảm nhẹ về vùng 78,8 - 79 USD phiên hôm nay.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)