Bản tin MXV Năng lượng 05/04: Giá dầu diễn biến giằng co khi dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ xoa dịu một phần lo ngại nguồn cung cắt giảm
01:56 SA @ Thứ Tư - 05 Tháng Tư, 2023

Sau khi tăng vọt lên trên vùng 80 USD/thùng, giá dầu ghi nhận những diễn biến tương đối giằng co phiên ngày 04/04 trong bối cảnh nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng, nhưng thị trường cũng lo ngại về nhu cầu suy yếu do nền kinh tế Mỹ gặp sức ép. Kết phiên, giá dầu WTI tăng nhẹ 0,36% lên mức 80,71 USD/thùng. Dầu Brent gần như không có sự thay đổi khi chỉ nhích thêm 0,1% lên 84,94 USD/thùng.

Giá dầu vẫn nhận được động lực tăng trong nửa phiên đầu ngày khi thâm hụt nguồn cung vẫn đang là mối lo ngại chính sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng khoảng 1,66 triệu thùng/ngày từ tháng Năm sắp tới. Ngân hàng Goldman cho biết tỷ lệ thực hiện dự kiến sẽ đạt gần 90% kế hoạch, lý do là các quốc gia công bố cắt giảm bổ sung lần này đều tuân thủ chặt chẽ và đã thực hiện gần 90% mức cắt giảm hồi tháng 10/2022 trong tháng 01/2023. Ngân hàng tiếp tục nhắc lại quan điểm thị trường sẽ trở lại tình trạng thâm hụt kéo dài từ tháng 6 trở đi do tăng trưởng nhanh chóng của các thị trường mới nổi, nguồn cung của Nga giảm và nguồn cung của Mỹ chậm chạp.

Các công ty khoan dầu đá phiến của Mỹ trong hai thập kỷ qua đã giúp Mỹ thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Nhưng mức tăng sản lượng đang chậm lại và các giám đốc điều hành cảnh báo về sự sụt giảm trong tương lai. OPEC trong năm nay đã hạ dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Điều này làm gia tăng lo ngại về nguồn cung và thúc đẩy lực mua tiếp diễn.

Tuy nhiên, lực bán bất ngờ được thúc đẩy trong phiên tối sau khi Mỹ công bố một vài dữ liệu tiêu cực, làm dấy lên lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế. Cụ thể, theo khảo sát cơ hội việc làm và doanh thu lao động hàng tháng (JOLTS), cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, đã giảm 632.000 xuống còn 9,9 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 05/2021.

Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố các đơn đặt hàng của nhà máy đã giảm 0,7% sau khi giảm 2,1% trong tháng 1. Dữ liệu yếu kém khiến cho mối lo suy thoái gia tăng, dòng tiền đầu tư cũng có xu hướng tập trung vào tài sản trú ẩn an toàn như kim loại quý và trái phiếu Chính phủ. Bài toán tặng trưởng chậm hạn chế nhu cầu tiêu thụ cũng khiến lực mua trên thị trường dầu suy yếu.

Bên cạnh đó, một vài thông tin cải thiện về nguồn cung cũng khiến đà tăng của giá dầu chững lại. Xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 3 đã tăng lên mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 8/2022, đạt mức 774.420 thùng/ngày, được thúc đẩy nhờ nối lại hoạt động bốc hàng sau khi đóng băng xuất khẩu, và tăng số lượng hàng hóa được giao cho Tập đoàn Chevron của Mỹ.

Chính phủ liên bang Iraq và Chính quyền khu vực người Kurd cũng đã ký một thỏa thuận tạm thời để khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của miền Bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn nhằm chấm dứt hàng thập kỷ tranh chấp chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể bù đắp cho khoảng trống mà OPEC+ sẽ để lại. Thêm vào xu hướng tăng giá, rạng sáng nay, báo cáo từ Viện Dầu khí độc lập Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 4,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 31/03. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm mạnh ở mức lần lượt là 4 triệu và 3.7 triệu thùng. Điều này dự báo cho việc nhu cầu có sự cải thiện và có thể tiếp tục củng cố cho giá dầu neo ở mức cao.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Dầu thô vẫn sẽ đối diện với vùng kháng cự quan trọng ở mức 82 USD/thùng, nếu phá vỡ mức này, giá dầu sẽ hướng tới vùng 85 USD/thùng. Tuy nhiên, giá đang bị cản lại tại vùng kháng cự trên và RSI trên khung H4 và Daily đều đang ở vùng quá mua. Khối lượng giao dịch trong phiên hôm qua cũng yếu hơn, có thể là tín hiệu sức mua yếu dần. Các nhà đầu tư có thể mở bán tại vùng 81.7 – 82 USD với kỳ vọng chốt lời tại 79 – 80 USD.

Nguồn: