Sau buổi họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày 05/06 với mức tăng cách biệt gần 3 USD/thùng. Tuy nhiên, đà tăng dần bị thu hẹp khi thị trường thận trọng đánh giá tác động của việc cắt giảm sản lượng bởi các nước nhóm OPEC+ trong bối cảnh sức ép vĩ mô có thể kéo triển vọng tiêu thụ suy yếu.
Kết phiên ngày 05/06, giá dầu WTI đóng cửa tại mức 72,15 USD/thùng, tăng 0,57% so với mốc tham chiếu. Giá dầu Brent tăng 0,76% lên mức 76,71 USD/thùng.
Cuộc họp của nhóm OPEC+ vào cuối tuần đã tiến tới thoả thuận gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2024, thay vì cuối năm 2023 như đã thông báo trước đó. Đáng chú ý, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7, và có thể sẽ duy trì trong trường hợp cần thiết.
Điều này sẽ khiến sản lượng trong tháng 7 của Saudi sẽ chỉ đạt mức 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ giai đoạn cắt giảm 5/2020 – 6/2021 do dịch bệnh Covid-19 làm sụt giảm nhu cầu.
Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết việc cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia có khả năng làm thâm hụt thị trường sâu hơn lên hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Giá dầu ngay lập tức mở cửa cửa với mức tăng hơn 4% lên mức 75 USD/thùng, nhưng vẫn chưa thể vượt khỏi vùng kháng cự này.
Trái lại, ngân hàng Morgan Stanley đánh giá việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhiều khả năng chỉ có thể hỗ trợ cho giá dầu trong ngắn hạn. Động lực đối với thị trường trong phần còn lại của năm 2023 và cả năm 2024 thực tế vẫn không đổi do hạn chế từ các yếu tố vĩ mô sẽ là rào cản cho sức tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất của Mỹ tháng 05/2023 do Viện Quản lý Cung Ứng (ISM) khảo sát đã giảm xuống mức 50,3 điểm, thấp hơn 1,9 điểm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, phản ánh những áp lực nhất định của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất cao.
Ngoài ra, việc Nga không cam kết cắt giảm thêm sản lượng, trong khi dòng chảy dầu từ Nga tiếp tục cho thấy sự ổn định cũng khiến giá dầu gặp áp lực vào cuối phiên. Theo Reuters, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga từ các cảng phía Tây, gồm Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk đã đạt kỷ lục 4 năm ở mức 2,4 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Ấn Độ hiện đang là thị trường tiêu thụ dầu Ural của Nga lớn nhất khi chiếm khoảng 50% lượng dầu được xuất khẩu từ các cảng phía Tây, trong khi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lần lượt 15% và 11% thị phần.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu hiện đã lấp hoàn toàn mức “gap-up” và trở về vùng hỗ trợ 71,8 USD, cũng là cạnh giữa dải Bollinger Band trên khung Daily. Nhiều khả năng giá sẽ bật tăng từ vùng này, và tiến tới vùng hỗ trợ 73,5 – 73,7 USD. Các nhà đầu tư có thể mở mua tại vùng 71,5 – 71,8 USD với kỳ vọng chốt lời ở vùng hỗ trợ nêu trên. Cắt lỗ tại 70,7 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)