Dầu thô duy trì đà tăng trong 6 tuần liên tiếp, khi thị trường được dẫn dắt bởi các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Kết thúc tuần giao dịch 30/05 – 05/06, giá WTI tăng 3,3% lên 118,87 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 3,6% lên 119,72 USD/thùng.
Sau một thời gian dài thảo luận, cuối cùng nhóm các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cũng đã thống nhất được kế hoạch chi tiết để cấm vận dầu nhập khẩu dầu từ Nga. Cụ thể, EU sẽ có 6 tháng chuẩn bị để dừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô qua đường biển và 8 tháng để dừng nhập khẩu các sản phẩm tinh chế. Một số thành viên như Hungary sẽ nhận được miễn trừ khỏi các lệnh cấm, giúp cho họ vẫn được mua dầu Nga với khối lượng lên đến 300.000 thùng/ngày. Tuy vậy, theo dự đoán của công ty nghiên cứu Platts Analytics, bất chấp các ngoại lệ, đến cuối năm nay, lệnh cấm này vẫn sẽ khiến cho xuất khẩu của Nga sang châu Âu giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày đối với dầu thô, và 1,2 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm tinh chế.
Trong khi sản lượng dầu từ Nga gần như chắc chắn sẽ giảm như vậy, các nước tiêu thụ lớn vẫn đang loay hoay trong việc tìm nguồn cung thay thế. Mới đây nhất, theo kết quả cuộc họp chính sách của OPEC+, nhóm sẽ gia tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn so với cam kết 432.000 thùng/ngày trong giai đoạn trước đó. Mặc dù là một tín hiệu đáng mừng, nhưng số lượng này khó có thể bù đắp được sự thiếu hụt sản lượng của Nga. Trong khi đó, theo số liệu của nhà cung cấp dịch vụ Baker Hughes, tuần vừa rồi nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục không tăng số lượng giàn khoan dầu khí, mà giữ nguyên ở mức 727 giàn. Số lượng giàn khoan là một chí báo sớm cho khả năng tăng sản lượng, do đó thông tin vừa rồi gợi ý sản lượng dầu tại Mỹ khó có thể tăng bù mạnh để kịp mùa lái xe cao điểm từ tháng 6.
Hiện tại, có thông tin Mỹ sẽ cho phép một số công ty mua dầu thô từ Venezuela hoặc Iran, 2 quốc gia hiện tại vẫn đang chịu cấm vận, phần nào giảm bớt sức ép đối với thị trường. Tuy vậy, nếu không có một thỏa thuận cho phép các nước này quay trở lại hoàn toàn với quốc tế, thì sản lượng gia tăng cũng sẽ không ở mức có ý nghĩa.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải trong tuần vừa rồi cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Cùng với các cam kết hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ, thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong cả lĩnh vực giao thông và sản xuất sẽ còn phục hồi, sau khi sụt giảm trong giai đoạn tháng 3 tháng 4. Bắc Kinh sáng nay cũng vừa dỡ bỏ 1 loạt hạn chế, có thể tạo động lực tăng lớn cho giá các hàng hóa.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá đang thách thức lại vùng đỉnh 120 USD/thùng và tạo gap-up, cho thấy lực mua rất lớn ở thời điểm hiện tại. Các chỉ số RSI và MACD cũng rất tích cực. Có thể canh mua dầu WTI kỳ hạn tháng 7 khi giá điều chỉnh về 119,5 - 120 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)