Sắc đỏ áp đảo bảng giá năng lượng trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết phiên 05/12, giá dầu thô WTI đánh mất mốc 80 USD, giảm 3,81% về 76,93 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,38% còn 82,68 USD/thùng.
Thị trường ở trong trạng thái cân bằng phần lớn thời gian trong ngày, tuy nhiên, lực bán mạnh xuất hiện vào cuối phiên trước những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất.
Tiếp nối số liệu việc làm tích cực của tuần trước, hoạt động của ngành dịch vụ ở Mỹ tăng trưởng vượt mọi kỳ vọng, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) dịch vụ tháng 11 đạt 46,2 điểm, cao hơn so với dự báo là 46,1 điểm. Đáng chú ý, chỉ số PMI phi sản xuất tăng mạnh lên 56,5 điểm, cao hơn mức 54,4 điểm của tháng 10 và cả mức dự báo 53,3 điểm.
Đơn đặt hàng của các nhà máy cũng tăng 1%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng. Các số liệu phản ánh rằng nền kinh tế Mỹ vẫn bền bỉ và vững vàng trước các đợt tăng lãi suất của Fed, bất chấp các lo ngại về một cuộc suy thoái trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những tin tức này thách thức khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất từ 75 điểm cơ bản còn 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12, và khiến cho chỉ số Dollar Index bật tăng mạnh mẽ trong phiên lên 105,29 điểm.
Điều này đã gây sức ép lên toàn bộ các thị trường tài chính nói chung, và thị trường dầu thô nói riêng. Nhiều nhà đầu tư đã tiến hành đóng các vị thế dầu thô để giảm thiểu rủi ro trong danh mục và biến động của thị trường. Sức bán của phiên hôm qua cũng được cộng hưởng bởi đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Sức mua yếu trong phiên hôm qua khi mà thị trường nhận ra rằng chính sách áp giá trần với dầu thô của Nga vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khi Trung Quốc và Ấn độ vẫn duy trì mua dầu thô của Nga, nên tác động của giới hạn giá sẽ bị giảm so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng mong đợi những thay đổi rõ ràng hơn trong lập trường chống dịch của Trung Quốc. Việc nới lỏng một số giãn cách chống dịch tại nhiều tỉnh thành chưa thể nói lên nhiều điều về sự thay đổi lập trường chống dịch của các nhà chức trách, trái lại, còn làm gia tăng rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.
Yếu tố cuối cùng làm hạn chế sự phục hồi của giá dầu trong phiên hôm qua là số liệu xuất khẩu dầu của Venezuela. Quốc gia này đã xuất khẩu 619.300 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày, tăng 16% so với tháng 10, nhờ việc nối lại các chuyến hàng đến châu Âu và khởi động lại các nhà máy chế biến dầu.
Theo Refinitiv, xuất khẩu của thành viên OPEC đạt trung bình khoảng 620.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, thấp hơn một chút so với năm 2021, nhưng dự kiến sẽ tăng trong những tháng nhờ việc Chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho tập đoàn dầu mỏ lớn Chevron Corp khai thác tại quốc gia Nam Mỹ này.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI giảm khi chạm kháng cự là cạnh trên của Bollinger Band, tương đương mức hỗ trợ tâm lý 80 USD/thùng. Chỉ số MACD và RSI vẫn còn yếu, nhất là chỉ số RSI vẫn không thể vượt qua mức 50 điểm. Nhiều khả năng giá sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ cũ là 75 USD. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ 78 – 78,5 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 76 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)