Thị trường dầu thô tiếp tục trải qua biến động mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết thúc phiên 06/03, giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 80,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,43% lên 86,20 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần một tháng.
Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhà chức trách của nước này đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tin tức này đã làm mờ những kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng trưởng và khiến cho giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng lãi suất khiến cho áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Mới đây, Robert Holzmann, một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ông ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thêm bốn lần nữa, tương đương với mức tăng 2%. ECB đã duy trì lãi suất thấp ở châu Âu trong một thời gian dài, và nếu điều này xảy ra, nguy cơ suy thoái của khu vực này sẽ tăng lên, bởi nền kinh tế của các nước vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng năng lượng và áp lực lạm phát cao.
Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá dầu dần lấy lại đà tăng khi một loạt các tin tức tích cực xuất hiện và hỗ trợ cho giá. Tại hội nghị năng lương CERAWeek ở Houston, lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất lớn đã có những phát biểu lạc quan cho rằng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ hồi phục vào cuối năm, tuy nhiên, rủi ro nguồn cung vẫn cao do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã tiến hành tăng giá bán dầu cho châu Á. Động thái này phản ánh sự lạc quan cũng như kỳ vọng vào việc nhu cầu nhập khẩu của khu châu Á sẽ tăng lên.
Đối với nguồn cung của Nga, khối lượng xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 14% trong tuần kết thúc ngày 03/03 về mức 3,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích cho rằng mức sụt giảm này xuất phát từ những khó khăn về mặt hậu cần, chứ không phải do việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mà Nga đã công bố.
Các tin tức này, cộng với sự suy yếu của đồng USD trong phiên tối đã giúp cho thị trường dầu đảo ngược đà giảm và duy trì được sắc xanh phiên thứ năm liên tiếp. Chỉ số Dollar Index giảm về 104,35 điểm, mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 3 tuần.
Giá khí tự nhiên lao dốc hơn 14% khi dự báo cho thấy thời tiết sẽ ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết dự trữ khí tự nhiên hiện cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm. Nguồn cung không đáng lo ngại trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng là yếu tố khiến giá khí tự nhiên giảm. Thị trường khí tự nhiên rất rủi ro bởi giá liên tục biến động rất cực đoan theo các tin tức về thời tiết.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu có hai pha rút chân mạnh mẽ, và đang hướng về cạnh trên của Bollinger Band. Tuy nhiên, đà tăng có dấu hiệu suy yếu vào hôm qua khi khối lượng giao dịch giảm nhẹ trong một phiên giá tăng lai mức kháng cự tâm lý 80 USD. Nhà đầu tư chỉ nên mở vị thế mua ngắn trong khoảng 79,8 – 80,3 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 81,3 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)