Bản tin MXV Năng lượng 07/06: Giá dầu giảm khi triển vọng nhu cầu yếu lấn át lo ngại nguồn cung
02:01 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Sáu, 2023

Thị trường dầu thô ngày 06/06 ghi nhận những biến động khá mạnh. Có thời điểm, giá dầu WTI rơi xuống gần 70 USD/thùng, nhưng lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ giá tăng trở lại. Tuy nhiên, nhìn chung trong toàn phiên, sức ép bán vẫn áp đảo do triển vọng nhu cầu yếu, đã kéo giá dầu WTI giảm 0,57% xuống 71,74 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,55% xuống 76,29 USD/thùng.

Tại Đức, sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, biểu thị cho một cuộc suy thoái nhẹ về mặt lý thuyết, dữ liệu về nhu cầu đặt hàng của các nhà máy của Đức tháng 04/2023 tiếp tục giảm 0,4% so với tháng trước. Điều này làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ các nền kinh tế châu Âu, nhất là khi lãi suất khu vực vẫn còn dư địa tăng.

Về mặt cung cầu, tác động của việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 7 vẫn chưa đủ sức hỗ trợ mạnh cho giá dầu, do thị trường kỳ vọng sẽ có nguồn cung thay thế, trong khi bức tranh tiêu thụ không quá tích cực.

Dữ liệu theo dõi tàu biển của Bloomberg cho thấy xuất dầu dầu từ Nga qua đường biển tăng 90,000 thùng/ngày lên mức 3,69 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 02/06, duy trì sự ổn định bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày.

Trong khi đó, nguồn tin từ Reuters cho biết các thương nhân tại nhà máy lọc dầu châu Á có thể sẽ nhập khẩu ít dầu hơn từ Saudi Arabia trong tháng 07/2023 sau động thái tăng giá và cam kết cắt giảm sản lượng, đồng thời tăng cường mua dầu thô giao ngay từ UAE.

Ngoài ra, theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cơ quan này đã điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng năm 2023 thêm 30.000 thùng/ngày so với STEO tháng 5, do sự tăng trưởng sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC như Mỹ, Na Uy, Canada, Brazil và Guyana bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của nhóm OPEC.

EIA cũng nâng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ, với mức tăng trưởng 720.000 thùng/ngày lên 12,61 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó 80.000 thùng/ngày.

Tính đến tác động sau cuộc họp OPEC+, EIA chỉ nâng dự đoán giá dầu Brent trung bình trong nửa cuối năm 2023 thêm 1 USD lên mức 79 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá năm 2024 được điều chỉnh tăng mạnh thêm 9 USD lên 84 USD/thùng.

Về nhu cầu, EIA chỉ điều chỉnh tăng mức tiêu thụ trung bình năm 2023 ở mức khiêm tốn 20.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Nhu cầu dầu diesel của Mỹ trong nửa cuối năm nay, một thước đo về chi tiêu hàng hoá dự kiến sẽ thấp hơn mức trung bình 2015-2019 và sau đó giảm hơn nữa vào năm 2024.

Tuy nhiên, trong quý III năm nay, nhận định của EIA cho thấy thị trường dầu thô sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt khoảng 180,000 thùng/ngày. Điều này vẫn sẽ tạo ra rủi ro giá dầu tăng trong giai đoạn tới, mặc dù đà tăng có thể không quá mạnh trong trường hợp triển vọng tiêu thụ vẫn kém tích cực.

Báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) vào sáng nay cho thấy tồn kho thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 02/06 giảm 1,7 triệu thùng, trái với dự đoán tăng 1 triệu thùng, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng mạnh lần lượt 2,4 và 4,5 triệu thùng, có thể tiếp tục gây sức ép tới giá dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu nhiều khả năng sẽ giằng co quanh cạnh giữa dải Bollinger Band trên khung H4, cũng là vùng kháng cự 71,8 – 72 USD trước khi xác nhận thêm tín hiệu quay đầu hoặc phá vỡ vùng này. Trong trường hợp giá phá vỡ kháng cự trên, các nhà đầu tư có thể đơi nhịp hồi về vùng 72 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời ở vùng 73,4 USD. Nếu giá quay đầu, có thể chờ về vùng 71,2 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời ngắn 72 USD.

Nguồn: