Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024 (ngày 2/1 – 7/1) , giá dầu tăng trở lại trước một số dấu hiệu gián đoạn nguồn cung cấp. Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ diễn biến phức tạp, cũng đẩy nhanh lực mua trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 3,01% lên mức 73,81 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên tại mức giá 78,76 USD/thùng, giảm 2,23% so với tuần trước đó.
Biểu tình trong lĩnh vực dầu mỏ ở Libya đã buộc các nhà khai thác phải giảm phần lớn, thậm chí hoàn toàn sản lượng dầu tại mỏ Sharara. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày.
Trước đó, bất ổn địa chính trị đã cản trở sự phát triển của ngành dầu mỏ Libya. Theo dữ liệu của Argus, xuất khẩu dầu của Libya đạt trung bình dưới 990.000 thùng/ngày vào năm 2023, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với năm 2022, nhưng thấp hơn khoảng 80.000 thùng/ngày so với mức cao nhất sau nội chiến vào năm 2021.
Trong khi đó, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Công ty vận chuyển khổng lồ Maersk vào cuối tuần ngày 6/1 đã cho biết sẽ chuyển hướng tất cả các tàu ra khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, đồng thời cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn.
Thương mại dầu mỏ của Trung Quốc với Iran đã bị đình trệ do Tehran từ chối xuất khẩu và yêu cầu giá cao hơn, thắt chặt nguồn cung giá rẻ cho nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bank of America trong một báo cáo cho biết giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong năm 2024 bởi rủi ro địa chính trị và chinh sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Ngân hàng này kỳ vọng phạm vi giao dịch dầu Brent từ 70 - 90 USD/thùng sẽ được giữ vững từ khi OPEC+ can thiệp kể từ quý I/2024. Nguồn tin từ Reuters cho biết nhóm sẽ tổ chức họp vào ngày 1/2. Thông tin này cũng giúp tâm lý mua chiếm ưu thế, bởi OPEC+ hoàn toàn có thể can thiệp thêm vào thị trường thông qua việc điều chỉnh giảm hạn ngạch.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 4/2024. Trong năm 2023, Mỹ đã bổ sung tổng cộng khoảng 11 triệu thùng dầu vào SPR, với khoảng 4 triệu thùng sẽ được các công ty dầu mỏ hoàn trả trong tháng 2/2024.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt trên 15% lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 khi dự báo thời tiết cho rằng một số cơn bão mùa đông dự kiến đổ bộ nước Mỹ trong 10 ngày tới. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí trong việc sưởi ấm tại Bắc bán cầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung H4, tại vùng giá 74 USD xuất hiện hàng loạt cụm nến doji cho thấy lực mua và lực bán tương đối cân bằng. Giá vẫn di chuyển ở nửa trên dải Bollinger Band, được hỗ trợ bởi đường trendline nhỏ tăng, nhưng hiện đã có một vài dấu hiệu phân kỳ âm RSI trên khung H1. Dự báo sẽ có hai khả năng, giá có thể hồi về vùng 73,2 USD trước khi ghi nhận động lực tăng lên các mức cao hơn, trước hết là vùng giá 75 USD với điều kiện phá vỡ vùng 74 USD. Nhưng nếu rơi xuống dưới 73 USD, giá sẽ giảm nhẹ trở lại, nhưng nhiều khả năng sẽ gặp hỗ trợ vùng 72,5 USD. Vùng giá hiện tại tương đối hẹp, nhà đầu tư có thể quan sát thêm trước khi mở vị thế mới.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)