Bản tin MXV Năng lượng 08/08: Dầu thô giảm mạnh trước sức ép kép từ cả triển vọng tiêu thụ kém và nguồn cung được cải thiện
02:43 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Tám, 2022

Giá dầu lao dốc trong tuần vừa qua và rơi về mức thấp nhất trong gần sáu tháng. Kết thúc tuần giao dịch 01-07/08, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 9,74% về 89,01 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 8,70% về 94,92 USD/thùng.



Ngay từ đầu tuần, giá dầu đã gặp sức ép lớn từ các số liệu tiêu cực của các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, khu vực Liên minh Châu Âu (EU) và cả các quốc gia phát triển khác như Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động sản xuất ở các khu vực này, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đều suy yếu trong tháng 7, làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.

Nếu như trong nửa đầu năm 2022, giá dầu chịu ảnh hưởng mạnh bởi những lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt, thì từ giữa tháng 6 tới nay, giá dầu đang rất “nhạy cảm” với những tin tức xoay quanh triển vọng tiêu thụ.

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tiêu thụ ở Mỹ đang thực sự sụt giảm, khi mà tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 31/07 tăng 4,5 triệu thùng. Tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm, và thấp hơn so với mức trung bình của 4 tuần gần nhất, cộng hưởng với việc xuất khẩu dầu của Mỹ cũng suy yếu cho thấy nhu cầu tiêu thụ của thế giới cũng đang kém đi.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung được kỳ vọng sẽ cải thiện khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định sẽ tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Sức ép kép nói trên là những yếu tố khiến cho giá dầu thô WTI đánh mất mốc 90 USD và giá dầu Brent cũng khó có thể tìm về mốc 100 USD.

Triển vọng tiêu thụ năng lượng đang liên tục xấu đi, trước các tác động của việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã tiến hành nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 27 năm. Làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu hiện đang khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ bị giảm vì nền kinh tế tăng trưởng kém đi.

Đến cuối tuần, thị trường đón nhận một vài tin tức tích cực cho giá dầu và giúp cho sức ép bán trên thị trường giảm bớt. Công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu cho thị trường ở châu Á lên mức kỷ lục, cao hơn 9,80 USD/thùng so với mức tham chiếu ở Trung Đông. Bên cạnh đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu, giảm 7 xuống 598 giàn trong tuần kết thúc ngày 5/8, và là lần đầu tiên trong vòng 10 tuần số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ sụt giảm.



Các tin tức trên đều phản ánh việc thị trường hàng vật chất vẫn đang ở trong trạng thái bị thắt chặt, ít nhất là nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các tin tức này không đủ mạnh để hỗ trợ cho giá dầu lấy lại sắc xanh.

Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay, bất chấp số liệu thương mại tích cực của Trung Quốc. Nhà tiêu thụ hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 37,33 triệu tấn dầu trong tháng 7, tăng từ mức thấp nhất trong 4 năm, nhờ hoạt động đi lại và vận tải được cải thiện. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu vẫn thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị



Giá dầu WTI đang có xu hướng tiếp tục giảm khi Bollinger Band mở rộng và hướng xuống. Các chỉ số RSI và MACD đều tiếp tục hướng về những mức thấp hơn, phản ánh sức bán đang rất mạnh. Nhà đầu tư có thể canh bán nếu giá dầu tăng lên 89,7 USD (kháng cự theo Fibonacci 50) với kỳ vọng chốt lời ở khu vực 83,5 – 84,5 USD (hỗ trợ theo Fibonacci 61,8).

Nguồn: