Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/03, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi sức ép vĩ mô tiếp tục đè nặng, trong khi tình hình nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc rõ ràng. Giá dầu WTI giảm 1,19% xuống 76.66 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,76% xuống 82,66 USD/thùng.
Mở cửa với lực mua và bán tương đối giằng co, dầu thô tiếp tục chịu sức ép bởi lo ngại lãi suất tăng cao hơn kỳ vọng trước đây sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, áp lực bán cũng giảm bớt khi báo cáo sớm của Viện dầu khí Mỹ (API) và dự đoán của thị trường đều cho rằng tồn kho dầu thô thương mại Mỹ sẽ giảm sau nhiều tuần tăng trước đó.
Tâm lý thận trọng được duy trì cho đến phiên tối, khi Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/3 đã giảm lần đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tiếp ở mức 1,7 triệu thùng. Tồn kho xăng cũng giảm 1,1 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất chỉ tăng nhẹ 0,1 triệu thùng. Thông tin này đã thúc đẩy lực mua ngay sau thời điểm ra báo cáo. Tuy nhiên, giá nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi EIA cho thấy bức tranh tiêu thụ vẫn còn kém tích cực.
Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã giảm hơn 2,2 triệu thùng xuống mức 3,36 triệu thùng trong tuần qua, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 tuần với khoảng 4,18 triệu thùng, cho thấy nhu cầu đối với dầu Mỹ suy yếu. Mức hiệu chỉnh chỉ giảm nhẹ đối với nguồn cung tại Mỹ. Nhu cầu dầu cho hoạt động lọc dầu tại Mỹ đạt trung bình 15 triệu thùng, thấp hơn 12.000 thùng so với tuần trước đó. Ngoài ra, tổng các sản phẩm được cung cấp, một thước đo cho nhu cầu đạt trung bình 19,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 1,3 triệu thùng so với tuần trước đó. Các dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ còn yếu, đã kéo giá dầu giảm trở lại.
Trong khi đó, nguồn cung từ Nga thông qua hoạt động xuất khẩu đang tương đối đảm bảo, sẽ làm giảm áp lực dòng chảy dầu trên toàn cầu. Theo Bloomberg, mức cung cấp cho dầu thô Urals và ESPO của Nga, cũng như dầu nhiên liệu, đã tăng mạnh trong những tuần qua, phù hợp với nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ. Giá hai loại dầu trên tới các cảng châu Á đã tăng khoảng 2 USD/thùng so với tháng trước, đảm bảo cung dầu từ Nga.
Bên cạnh đó, phiên điều trần ngày thứ 2 của chủ tịch Fed trước Quốc hội Mỹ vào tối qua tái khẳng định thông điệp của ông về việc tăng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn, nhưng nhấn mạnh sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế quan trọng sắp tới, như Bảng lương phi nông nghiệp vào cuối tuần này và dữ liệu lạm phát vào tuần sau. Chỉ số Dollar Index tăng nhẹ 0,04% lên 105,66 điểm khi đồng USD tiếp tục củng cố sức mạnh, từ đó gây áp lực cho giá dầu.
Ở một diễn biến khác, giá khí đốt quay đầu giảm hơn 5% sau phiên tăng trước đó, đạt mức 2,55 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Tại hội nghị năng lượng hàng đầu thế giới CERAWeek, người đứng đầu bộ phận khí đốt tự nhiên và năng lượng Bắc Mỹ cho biết giá khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ ổn định khi chúng tiếp cận mức hòa vốn. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau các đợt phong tỏa sẽ không nâng giá khí đốt của Mỹ vì ngành công nghiệp này đã xuất khẩu rất nhiều trước đó.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu giảm trong phiên ngày hôm qua nhưng khối lượng giao dịch mỏng hơn, có thể là tín hiệu cho thấy lực bán yếu đi và nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trong phiên hôm nay. Giá hồi lên khi chạm cạnh dưới của dải Bollinger Band trên khung H4 và nhiều khả năng sẽ bật lên cạnh giữa. Các nhà đầu tư có thể mua tại 76,5 USD với kỳ vọng chốt lời tại 77,7 USD. Có thể DCA khi giá về vùng 75,8 – 76 USD. Cắt lỗ tại 75,3 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)