Bản tin MXV Năng lượng 09/08: Giá dầu đảo chiều tăng cuối phiên trước triển vọng tăng trưởng tại Mỹ
01:57 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Tám, 2023

Giá dầu ghi nhận ngày giao dịch 08/08 đầy biến động khi gặp sức ép bán mạnh trong nửa đầu phiên, sau loạt dữ liệu thương mại kém tích cực của Trung Quốc trong tháng 7. Đã có thời điểm giá dầu WTI rơi xuống dưới mốc 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng xóa sạch các mức giảm sâu trong ngày, đảo chiều tăng mạnh trở lại trong nửa cuối phiên khi lo ngại thâm hụt nguồn cung còn tiềm ẩn, cùng dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực tại Mỹ của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,2% lên sát mốc 83 USD/thùng. Dầu Brent tăng gần 1% lên mức 86,17 USD/thùng.

Cả hai loại dầu thô WTI và Brent đều đã giảm khoảng 2 USD/thùng trong nửa đầu phiên giao dịch sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc cho thấy dữ liệu xuất nhập khẩu kém sắc trong tháng 7.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc giảm 12,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 5% dự kiến. Xuất khẩu giảm 14,5%, so với mức dự báo giảm 12,5%.

Nhập khẩu dầu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 1, đạt trung bình 10,29 triệu thùng/ngày. Tác động cắt giảm nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga, đẩy giá dầu tăng cao đã hạn chế hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Trung Quốc là hơn 1,02 tỷ thùng vào cuối tháng 7. Sự gia tăng trong kho dự trữ có thể cho phép quốc gia này có khả năng giảm mua hàng trong các tháng tới.

Tuy nhiên, lực mua kỹ thuật nhanh chóng quay trở lại và áp đảo sau khi giá dầu WTI chạm mốc hỗ trợ 80 USD/thùng. Thêm vào đó, báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của EIA cũng có tác động hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.

EIA dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, tăng 7 USD/thùng so với báo cáo tháng 7. Lo ngại nguồn cung sụt giảm trước tác động của Saudi Arabia là nhân tố chính sẽ kéo tồn kho giảm và thúc đẩy đà tăng giá.

Tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 được EIA dự báo tăng 1,9%, cao hơn nhiều so với mức 1,5% trong dự báo của tháng trước. Thông tin tích cực này đã củng cố cho đà tăng mạnh của giá dầu vào cuối phiên khi Mỹ là nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

EIA dự báo thị trường sẽ thiếu cung khoảng 640.000 thùng/ngày trong quý III và 120.000 thùng/ngày trong quý IV. Mức thâm hụt này mặc dù đã được điều chỉnh thu hẹp hơn so với 1 triệu thùng/ngày quý III và 380.000 thùng/ngày quý IV trong báo cáo tháng trước, nhưng việc duy trì quan điểm thị trường thâm hụt nửa cuối năm vẫn sẽ thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng ổn định ở mức thấp hơn so với tháng trước sau khi Nga tuyên bố giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Các lô hàng trung bình trong giai đoạn này ổn định ở mức 3,02 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 870.000 thùng/ngày so với mức đỉnh vào giữa tháng 5.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/8, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,6 triệu thùng. Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực bán nhẹ trong phiên mở cửa.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trở lại sau khi chạm vùng hỗ trợ 80 USD/thùng, tiếp tục về kênh xu hướng tăng. Hiện tại, giá dầu quay trở lại vùng kháng cự cứng 83 - 83,5 USD/thùng. Việc phá vỡ vùng này sẽ đẩy giá dầu chinh phục các mục tiêu tiếp theo, ở vùng 85 USD/thùng.

Trên khung H4, chỉ báo dao động Stochastic cho thấy hai đường %K và %D đang ở trên mức 80. Dấu hiệu cắt xuống chưa rõ ràng. RSI có dấu hiệu phân kỳ âm khung H4. Khung D1, RSI duy trì sát vùng quá bán 70.

Dự báo giá sẽ có nhịp điều chỉnh giảm nhẹ, di chuyển giữa hỗ trợ 81,5 USD và kháng cự 83,5 USD.

Nguồn: