Giá dầu thiết lập đỉnh mới sau phiên giao dịch ngày 09/08, đóng cửa ở mức giá cao nhất kể từ tháng 11/2022, khi kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh trong tuần trước. Bên cạnh đó, rủi ro thâm hụt trước tác động của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn đang là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng của giá.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên với mức tăng 1,78% lên 84,40 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 87,55 USD/thùng sau khi tăng 1,60%.
Theo một cuộc khảo sát của S&P Global Commodity Insights, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 7 xuống mức thấp nhất gần 2 năm, do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia có hiệu lực. Điều này góp phần làm sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 6.
Cuộc khảo sát cho thấy 13 thành viên của OPEC đã bơm 27,34 triệu thùng/ngày trong khi Nga và 8 đồng minh khác bổ sung 13,06 triệu thùng/ngày, dẫn đến tổng sản lượng đạt 40,40 triệu thùng/ngày. Đó là mức thấp nhất của nhóm kể từ tháng 08/2021, khi các đợt cắt giảm lớn được thực hiện trong đại dịch vẫn chưa được gỡ bỏ.
Sản lượng của Saudi trong tháng trước theo khảo sát đã giảm xuống 9,05 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 06/2021. Hội đồng Bộ trưởng Saudi Arabia cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp mà OPEC+ thực hiện, làm dấy lên lo ngại mức sản xuất thấp có thể được duy trì trong tương lai.
Báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành tối qua cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/08. Con số này không nhiều so với mức giảm kỷ lục trong lịch sử 17 triệu thùng vào tuần trước đó. Trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt giảm 2,7 triệu và 1,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn đang khá tích cực.
Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã tăng 0,704 triệu thùng/ngày lên mức 20,727 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với mức trung bình 4 tuần.
Mặc dù xuất khẩu dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh gần 3 triệu thùng/ngày xuống còn 2,36 triệu thùng/ngày, cho thấy nhu cầu thế giới thận trọng khi giá dầu Mỹ tăng cao, kéo giá suy yếu nhẹ sau báo cáo. Nhưng nhìn chung, rủi ro thâm hụt tiềm ẩn, cùng nhu cầu tích cực đã đẩy giá tăng trở lại vào cuối phiên.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt 6,55% lên mức cao nhất trong 5 tháng qua do tình hình thời tiết nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas đã đẩy tiêu thụ điện lên mức kỷ lục. Bên cạnh đó, một cuộc đình công bị đe dọa ở Úc có thể gây ra gián đoạn dòng chảy năng lượng từ Mỹ đến châu Âu.
Công nhân tại một số giàn khoan khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ngoài khơi bờ biển Tây Úc đã bỏ phiếu cho hành động công nghiệp, bao gồm cả các cuộc đình công vô thời hạn tại một vài cơ sở. Úc là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới sau Qatar và bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Điều này đã đẩy giá khí tăng vọt trong phiên.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu phá vỡ kháng cự 83,5 USD, mức kháng cự đã được duy trì trong vòng 9 tháng qua, duy trì kênh xu hướng tăng giá. Điều này sẽ mở đường cho các mức mục tiêu cao hơn, trước hết là vùng 85 – 85,5 USD trong giai đoạn tới.
Khối lượng giao dịch cho thấy lực mua mạnh mẽ và kênh tăng khá vững. Trên khung H4, giá rút chân khi chạm cạnh giữa kênh xu hướng. Hiện giá đang di chuyển sát biên trên của dải Bollinger Band. Chỉ báo dao động Stochastic cho thấy đường %K và %D trên ngưỡng 80. Dự báo giá có thể hồi về vùng hỗ trợ 83,5 USD trước khi nối dài đà tăng lên vùng 85 USD.
Lưu ý việc phá vỡ 82,3 USD có thể đẩy giá tiến vào vùng điều chỉnh giảm đáng kể.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)