Kết thúc phiên 09/08, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 0,29% về 90,50 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 giảm 0,35% về 96,31 USD/thùng.
Diễn biến giá phản ánh sự giằng co trong bối cảnh thị trường xuất hiện rất nhiều tin tức mới. Công ty điều hành đường ống dẫn dầu của Nga, Transneft PJSC cho biết dòng chảy dầu thô của Nga chảy qua Ukraine đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc bị tạm dừng do các lệnh trừng phạt ngăn cản việc thanh toán phí vận chuyển. Các dòng chảy dọc theo tuyến đường phía nam của đường ống Druzhba qua Ukraine đã bị ảnh hưởng, trong khi tuyến phía bắc phục vụ Ba Lan và Đức không bị gián đoạn. Dữ liệu của Transneft cho thấy, khu vực bị gián đoạn thường vận chuyển khoảng 250.000 thùng/ngày.
Giá dầu ban đầu tăng cao hơn do các nhà đầu tư kỳ vọng tình trạng nguồn cung bị thắt chặt sẽ nghiêm trọng hơn, tuy nhiên giá đảo chiều sau đó khi dòng chảy dầu dự kiến sẽ phục hồi và tiếp tục hoạt động bình thường trong vài ngày tới.
Sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga là cho thấy thị trường vẫn đang vật lộn với sự mong manh của nguồn cung. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng hạ dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay, về mức trung bình 11,86 triệu thùng/ngày, mức dự báo thấp nhất kể từ báo cáo hồi tháng 1.
Tuy nhiên, những tin tức này không đủ để hỗ trợ bởi giá dầu vẫn chịu sức ép bán do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. EIA cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn cầu tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới, nhưng cũng cảnh báo rằng suy thoái có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu. Ngoài ra, sản lượng của Mỹ được dự báo vẫn đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023 là 12,7 triệu thùng/ngày, vượt mức kỷ lục hiện tại là 12,3 triệu được thiết lập vào năm 2019.
Sức ép kép từ việc nguồn cung được cải thiện trong năm tới trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể giảm vì nguy cơ suy thoái kinh tế khiến cho sức mua trên thị trường dầu vẫn còn rất yếu. Ngoài ra, sự suy yếu trên thị trường chứng khoán trong phiên hôm qua cũng hạn chế đà phục hồi của giá dầu.
Trong sáng nay, báo cáo thống kê của Viện Dầu khí Mỹ (API) tiếp tục cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 05/08. Dù không gây tác động mạnh như báo cáo của EIA, nhưng số liệu này có thể gây sức ép lên giá dầu trong phiên sáng.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI vẫn đang giằng co xung quanh mức 90 USD. Nến đóng cửa phiên hôm qua là nến Doji, cho thấy tâm lý lưỡng lự của thị trường. Các chỉ số RSI và MACD cũng vẫn đang khá trung tính. Giá có thể vẫn sẽ hướng được về cạnh giữa của Bollinger Band, tương đương 93,5 – 94,5 USD. Nhà đầu tư có thể canh mua khi giá dầu giảm trong phiên sáng, từ 89,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 93 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)