Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, giá dầu ghi nhận mức tăng nhẹ so với phiên trước đó. Lực bán vào cuối phiên sau báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tháng 1 dự báo bức tranh tiêu thụ kém sắc đã hạn chế đà phục hồi trước đó bởi một vài lo ngại về nguồn cung, khiến giá dầu WTI kết phiên với mức tăng 0,69% lên 75,12 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,56% lên mức 80,10 USD/thùng.
Lực mua cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trong hơn nửa phiên đầu, trước một số tín hiệu tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc. Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Bloomberg, Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều loại dầu thô của Nga, bao gồm cả loại Arco ít được biết đến hơn được vận chuyển từ khu vực Bắc Cực. Trước đó, động thái của Trung Quốc ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô sửa đổi lớn thứ 2 cho năm 2023 cũng báo hiệu ý định đẩy nhanh dòng nguyên liệu vào thời điểm mà nước tiêu thụ dầu lớn nhất châu Á đang hy vọng nhu cầu phục hồi.
Tuy nhiên, đà tăng chỉ thực sự được thúc đẩy mạnh mẽ sau thông tin về việc Nhóm quốc gia G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu thiết kế hai mức trần giá cho các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. EU dự kiến sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga vào ngày 5/2 và áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu sang các nước thứ ba, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến dầu diesel, naphtha và dầu nhiên liệu. Theo báo cáo STEO, điều này có thể gây ra sự gián đoạn lớn tới sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga còn hơn cả lệnh trừng phạt dầu thô vào đầu tháng 12 vừa qua, vì sẽ rất khó tìm được nguồn cung thay thế, và cả rào cản về chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các phản ứng của Nga vẫn còn là rủi ro. Nga đã báo hiệu vào đầu tháng trước rằng họ có thể áp đặt một giá sàn về xuất khẩu dầu, hoặc cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 - 700.000 thùng mỗi ngày. Lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Mặc dù vậy, đà tăng trong phần lớn phiên đã không còn được giữ vững sau khi Báo cáo STEO của EIA được phát hành, với dự báo nguồn cung cải thiện trong khi nhu cầu có xu hướng suy yếu trong cả năm 2023 và năm 2024. Cụ thể, EIA điều chỉnh tăng nguồn cung dầu trong quý I, III và IV của năm nay thêm 0,1% so với báo cáo trước, đưa mức sản lượng năm 2023 đạt 101,06 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước Non-OPEC. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo đạt 12,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, vượt qua mức cao nhất hàng năm hiện tại là 12,3 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019. Dự báo kỷ lục nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, theo EIA, mặc dù nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024, song cơ quan này đã điều chỉnh giảm mạnh đồng loạt mức tiêu thụ trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước đó do sự không chắc chắn về sự mở cửa của Trung Quốc, và rủi ro suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia. Điều này đưa mức tiêu thụ trung bình năm 2023 đạt 100,48 triệu thùng/ngày. Như vậy, thị trường dầu được dự báo sẽ thặng dư khoảng hơn 0.6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và năm 2024. Thặng dư nhẹ trong 2 quý đầu năm nay, sau đó sự gia tăng sản lượng đáng kể sẽ nới rộng mức thặng dư trong 2 quý cuối năm 2023. Điều này đã gây sức ép lớn tới giá vào cuối phiên.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 06/01 bất ngờ tăng vọt 14,9 triệu thùng, trái ngược với mức dự báo giảm 2,2 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng lên. Điều này có thể sẽ gây sức ép bán khá mạnh đối với giá trong phiên hôm nay.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)