Giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 10/07 sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua, khi rủi ro vĩ mô vẫn tạo ra sức ép đáng kể cho đà phục hồi của giá. Cụ thể, dầu thô WTI chốt phiên ở sát vùng 73 USD/thùng, giảm 1,18% so với giá của phiên trước đó. Dầu Brent giảm gần 1% xuống còn 77,69 USD/thùng.
Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường dầu thô ngay từ phiên mở cửa, sau khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới báo cáo dữ liệu lạm phát suy yếu trong tháng 6, phản ánh những khó khăn trong nỗ lực phục hồi kinh tế hậu thời kỳ đại dịch.
Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 5. Tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí năng lượng và lương thực biến động, đã giảm tốc độ tăng từ 0,6% xuống chỉ còn 0,4% trong tháng 6.
Đặc biệt, giá tại cổng các nhà máy, phản ánh thông qua chỉ số giá sản xuất (PPI) thậm chí còn giảm mạnh hơn ở mức đáng báo động 5,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức giảm 4,6% của tháng trước và vượt quá kỳ vọng chỉ giảm 5%.
Lo ngại về lực cầu suy yếu cả trong và ngoài Trung Quốc, vốn được kỳ vọng là nhân tố đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng toàn cầu, đã gây áp lực tới giá dầu trong phiên.
Trong khi đó, tại Mỹ, một số các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu vào tối ngày 10/07 cho thấy các thông điệp cứng rắn về chính sách thắt chặt tiền tệ, làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Fed bang San Francisco, bà Mary Daly cho biết có thể sẽ cần thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát trước một thị trường lao động mạnh mẽ. Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester cũng phát đi tín hiệu sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong một cuộc phỏng vấn cho hãng tin CBS đã nhận định rằng nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ “không hoàn toàn bị loại trừ” trong thời gian tới. Nhìn chung, bối cảnh kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro đã gây sức ép tới thị trường dầu thô, nhưng mức giảm giá vẫn còn hạn chế bởi lo ngại về tình trạng thâm hụt trong nửa cuối năm.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu duy trì đà tăng nhẹ trong một kênh xu hướng và bên trên cạnh giữa của dải Bollinger Band khung H4, được hỗ trợ bởi vùng giá 72,7 USD. Đây là vùng mà các nhà đầu tư cần quan sát để có tín hiệu vào lệnh. Việc phá vỡ vùng này và xuống vùng 72,4 USD có thể khiến giá dầu trở lại vùng giá 71,5 – 71,7 USD. Nếu thất bại trong việc phá vỡ vùng này, và giá tăng lên vùng 73,4 USD, nhà đầu tư có thể mở mua với kỳ vọng chốt lời tại 74,4 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)