Bản tin MXV Năng lượng 11/08: Áp lực chốt lời và lo ngại về rủi ro lạm phát kéo giá dầu suy yếu
01:46 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Tám, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/08, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Dẫn đầu đà giảm là giá khí tự nhiên với mức lao dốc 6,62% xuống 2,76 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh.

Diễn biến mới nhất xung quanh nguy cơ đình công tại các cơ cở khí đốt của Úc, hai tập đoàn Chevron và Woodside Energy vào ngày hôm qua cho biết họ đang đàm phán với các công đoàn để ngăn chặn các cuộc đình công tại các cơ sở cung cấp khoảng 10% thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Các tín hiệu này đã xoa dịu một vài lo ngại trên thị trường và kéo giá khí xoá bỏ đà tăng mạnh trước đó.

Đối với hai mặt hàng dầu thô, giá dầu WTI giảm 1,87% xuống mức 82,82 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,31% xuống mức 86,4 USD/thùng. Một phần, sau khi các quỹ lớn mua mạnh trong 3 tuần qua, các hoạt động giao dịch chốt lời đã được thực hiện, nhằm đánh giá thêm về tình hình nhu cầu thế giới trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, sự không chắc chắn về tình hình lạm phát và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng hơn.

Dữ liệu lạm phát tháng 07/2023 của Mỹ tăng trở lại do giá của mặt hàng thực phẩm tăng mạnh gây cản trở cho quá trình hạ nhiệt lạm phát của Fed.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) tháng 07/2023 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, tuy nhiên tăng với tốc độ nhanh hơn so với mức tăng 3% trong tháng 06/2023.

Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tháng 07/2023 của Mỹ đạt mức tăng trưởng 0,2%, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh 3% so với tháng trước.

Chủ tịch Fed bang San Francisco, bà Mary Daly cho biết mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây đang đi đúng hướng, nhưng cần phải có sự tiến bộ hơn để chứng minh Fed đã tăng lãi suất đủ để kiềm chế lạm phát. Bà cho biết còn quá sớm để xác định lãi suất hiện tại đủ để hạ nhiệt lạm phát hay chưa. Đồng USD tăng vào cuối phiên, đã gây sức ép tới giá dầu do chi phí giao dịch đắt đỏ hơn.

Trong ngày hôm qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) phát hành báo cáo tháng 8, cho thấy sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 7 đã giảm 836.000 thùng/ngày so với tháng trước xuống mức trung bình 27,31 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia thực hiện khá sát cam kết cắt giảm khi giảm 968.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, OPEC điều chỉnh tăng sản lượng các nước không thuộc khối OPEC (non-OPEC) thêm trung bình 100.000 thùng/ngày năm 2023 so với báo cáo trước. Đáng chú ý, OPEC nâng mạnh dự báo sản lượng quý III của nhóm non-OPEC thêm 450.000 thùng/ngày. Điều này có thể bù đắp một phần các tổn thất từ phía Saudi Arabia, gây áp lực nhất định đối với giá dầu.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, báo cáo vẫn cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trên đà thâm hụt nguồn cung mạnh hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý này, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu giảm trở lại khi tiến sát vùng kháng cự 85 USD, vẫn đảm bảo di chuyển trong kênh tăng giá chính. Trên khung H4, giá đang có xu hướng trượt xuống phía dưới đường SMA của dải Bollinger Band. Giá đã phá vỡ hỗ trợ 83,5 USD.

Chỉ báo Stochastic cho thấy hai đường %D và %K đang hướng xuống vùng 20, nhưng chưa có dấu hiệu cắt nhau. Giá có thể tiếp tục giảm điều chỉnh trước khi tăng trở lại. Hỗ trợ cần chú ý tiếp theo là vùng 81,8 – 82 USD.

Nguồn: