Trong tuần giao dịch ngày 05/06 – 11/06, giá dầu mở cửa tuần với mức tăng vọt 3 USD/thùng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn việc cắt giảm sản lượng, và thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 7. Tuy nhiên, giá dầu liên tục suy yếu trong phần lớn các phiên giao dịch trong tuần, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ kém sắc thúc đẩy lực bán.
Giá dầu WTI đóng cửa tuần ở mức 70,17 USD/thùng, giảm 2,19% so với tuần trước đó. Giá dầu Brent giảm 1,76% xuống còn 74,79 USD/thùng.
Dữ liệu kinh tế trong tháng 5 của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới tiếp tục cho thấy đà phục hồi yếu kém. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp, xuống 4,6%, mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 2/2016. Nhu cầu chững lại đè nặng lên lĩnh vực sản xuất, cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tạo áp lực lên giá dầu.
Ngoài Trung Quốc, sản lượng ngành công nghiệp cũng là một mối quan tâm toàn cầu, là thước đo đại diện cho nhu cầu dầu diesel. Theo dữ liệu của JPMorgan, hoạt động sản xuất toàn thế giới đã bị thu hẹp trong 9 tháng qua, trong khi thước đo vận tải đường bộ của Mỹ ở mức yếu nhất kể từ tháng 9/2021.
Tại Mỹ, mặc dù bước vào mùa lái xe cao điểm nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất vẫn tăng lần lượt 2,7 và 5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 2/6, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về tiêu thụ cũng giảm hơn 220.000 thùng so với tuần tham chiếu.
Lo ngại về nhu cầu tiêu dùng yếu kém đã tạm thời lấn át các rủi ro từ nguồn cung, khiến dầu thô tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ trong tuần qua.
Tuy nhiên, nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trở lại trong tuần này. Vào cuối tuần qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố sẽ mua thêm 3 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR).
Ngoài ra, nguồn cung tại Mỹ vẫn cho thấy xu hướng giảm của các giàn khoàn dầu khí. Dữ liệu từ Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động trong tuần thứ 6 liên tiếp, hiện ở mức 695 giàn trong tuần kết thúc ngày 9/6.
Tuần này, các yếu tố vĩ mô nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới giá dầu, đặc biệt là tâm điểm của thị trường về báo cáo lạm phát tháng 5 của Mỹ và cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm ngày 14/06.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu di chuyển sát cạnh dưới của dải Bollinger Band trên khung H4 và đang hướng xuống đường trendline. Nhiều khả năng, giá dầu sẽ bật tăng trở lại khi chạm vùng trendline này, và cũng là vùng hỗ trợ 69,2 – 69,5 USD. RSI cũng đang hướng về đường quá bán 30. Các nhà đầu tư có thể đợi về về vùng hỗ trợ trên và mở mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 71 – 71,5 USD. Cắt lỗ tại 68,7 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)