Dầu thô tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 4 cho đến nay trong phiên giao dịch ngày 11/07. Nguồn cung tại một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu có dấu hiệu thu hẹp, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thâm hụt đã hỗ trợ trực tiếp cho giá dầu.
Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,52% lên mức 74,83 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên tại mức giá 79,40 USD/thùng, cao hơn 2,2% so với mức giá tham chiếu phiên trước đó.
Sau nhiều tháng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển ở mức cao, các chuyến hàng của Nga đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy giảm đầu tiên khi chúng giảm xuống dưới mức trung bình của tháng 2, tháng tham chiếu cho cam kết cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.
Cụ thể, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga giảm mạnh 0,93 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 9/7. Như vậy, tính trung bình, xuất khẩu dầu đường biển từ Nga hiện đang thấp hơn khoảng 205,000 thùng/ngày so với mức trung bình 3,38 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 2.
Sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động xuất khẩu dầu thô từ Nga đã thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong phiên, nhất là khi Nga đã thông báo sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày vào tháng 8.
Thêm vào tâm lý lạc quan là tin tức cho rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới sẽ thực hiện nhiều biện pháp kích thích bổ sung hơn để phục hồi nền kinh tế.
Rủi ro thâm hụt do nguồn cung thu hẹp, và kỳ vọng nhu cầu sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm đã được phản ánh rõ trong Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 7 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Cụ thể, EIA đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu trong năm 2023 thêm 150.000 thùng/ngày lên mức 101,16 triệu thùng/ngày trong năm 2023, sau khi điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước, với mức tăng trong khoảng 130.000 thùng/ngày đến 150.000 thùng/ngày. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là 2 quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Trong khi đó, về phía nguồn cung, EIA đã hạ dự báo sản lượng 0,3% cho năm 2023 so với báo cáo trước xuống còn 101,1 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm 270.000 thùng/ngày, do sự sụt giảm sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và việc Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Như vậy, EIA đã điều chỉnh giảm sản lượng dầu thô toàn cầu trong tất cả các quý trong năm nay, đặc biệt là trong quý III và quý IV, qua đó chính thức đưa thị trường vào trạng thái thâm hụt nửa cuối năm và trung bình toàn năm 2023.
Quý III ghi nhận mức thâm hụt gần 1 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức 0,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.
Tính trung bình cả năm 2023, EIA lần đầu tiên ước tính thị trường sẽ thâm hụt 0,15 thùng/ngày, sau nhiều tháng dự báo thặng dư nhẹ. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung nửa cuối năm đã đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên.
Về yếu tố ngắn hạn hơn, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/7, sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 1 triệu thùng và 2,9 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm của thị trường, có thể sẽ khiến giá dầu gặp áp lực nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đang tiếp nhận lực mua mạnh mẽ qua các phiên gần đây, di chuyển trên nửa trên của dải Bollinger Band khung H4, và tiếp tục theo kênh xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá đang ở sát cạnh trên của kênh, và trước mắt sẽ phải đối diện với vùng kháng cự 75,5 USD. RSI khung H4 đang ở vùng quá mua, nên nhiều khả năng sẽ có nhịp giảm nhẹ điều chỉnh trước khi mở rộng đà tăng lên vùng 75,5 USD. Các nhà đầu tư có thể canh mua tại vùng 73,7 USD với kỳ vọng chốt lời tại 75,4 – 74,5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)