Kết thúc tuần giao dịch 05/09-11/09, giá dầu chỉ giảm nhẹ với WTI giảm 0,09% xuống 86,79 USD/thùng trong khi Brent giảm 0,19% xuống 92,84 USD/thùng. Dù mức giá kết tuần thay đổi không đáng kể, tuy nhiên trong tuần, giá biến động mạnh, với lo ngại về rủi ro kinh tế thế giới suy yếu sẽ làm giảm tiêu thụ.
Giá dầu giằng co mạnh với biên độ lên đến gần 10 USD/thùng trong tuần vừa rồi, chịu sức ép chủ yếu đến từ triển vọng suy thoái kinh tế của Trung Quốc khi số liệu thương mại của nước này suy yếu. Điều này khiến cho triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc yếu đi đáng kể, đặc biệt khi các số liệu khác như đầu tư, lạm phát, đều không quá tích cực. Trong khi đó, liên tiếp các thành phố lớn như Thành Đô với 21 triệu dân đều đã chịu phong tỏa, khi số ca Covid-19 gia tăng. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang tích cực tiến hành chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát dịch.
Trong tuần, các thông tin về khả năng Mỹ tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược SPR cũng làm cho thị trường biến động lớn. Thông báo chính thức từ Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kế hoạch giải phóng trung bình 1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 1% nhu cầu dầu tiêu thụ của thế giới, sẽ chính thức kết thúc vào cuối tháng 10 phần nào giúp thị trường phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần.
Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 9 của EIA không tác động được nhiều đến thị trường, khi EIA điều chỉnh dự báo tiêu thụ dầu thô và nhiên liệu lỏng toàn cầu năm 2022 chỉ tăng thêm 0.1 triệu thùng/ngày lên 99,53 triệu thùng/ngày. EIA cũng cho biết thị trường còn rất nhiều rủi ro, bao gồm tình hình địa chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là Libya, hay thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran, cũng như các quyết định về sản lượng của OPEC+.
Rạng sáng hôm nay, giá dầu giằng co trở lại khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo giá các mặt hàng năng lượng như dầu và khí tự nhiên sẽ tăng trở lại trong mùa đông, khi các lệnh cấm cấm nhập khẩu dầu của EU chính thức đi vào hoạt động trong tháng 12. Kế hoạch áp đặt trần giá dầu thô của nhóm G7 đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nga, nước này đe dọa sẽ cắt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khí đốt đến châu Âu. Trong khi đó, số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp, với số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm 5 xuống 591 giàn đang hoạt động. Mặt khác, EU đang yêu cầu các thành viên giảm năng lượng tiêu thụ khoảng 10% để chuẩn bị cho mùa đông năm nay, đang là yếu tố gây sức ép chính.
Trong tuần này, bên cạnh các báo cáo tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và OPEC, số liệu quan trọng cho thị trường tài chính nói chung sẽ là Chỉ số giá tiêu dùng CPI. Ngân hàng Trung ương Mỹ Fed được cho là sẽ theo dõi kỹ số liệu này trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, khi mà Fed vẫn có khả năng tăng 75 điểm lãi suất.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đang giằng co tại khu vực 86,30, trong khi các chỉ số kỹ thuật như MACD và RSI đều không đưa ra tín hiệu tích cực và đều đang hướng xuống trong khung 4h và 1h. Các nhà đầu tư có thể cân nhắc bán ở vùng giá 86,30-86,50 và kỳ vọng chốt lời tại vùng 84,60.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)