Giá dầu sụt giảm rất mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi một loạt các thông tin tiêu cực làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Cụ thể, giá WTI giảm rất mạnh 7,93% xuống 95,84 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 7,11% xuống 99,49 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, giá Brent đánh mất mốc 100 USD/thùng.
Dầu thô đã nối dài đà giảm ngay từ phiên sáng, trước sức ép lực bán từ vùng kháng cự 104 USD/thùng và không hề có một cơ hội nào để cho giá phục hồi trong phiên. Các lo ngại ngày càng lớn về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc liên tục khiến cho thị trường chịu sức ép khả năng nước này sẽ tiến hành phong tỏa, giãn cách để kiểm soát dịch, bất chấp Trung Quốc vẫn tiếp tục thu mua lượng lớn dầu trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh trong phiên bất chấp đã vượt đỉnh 20 năm, và có lúc chạm mức 108,5 đã gây ra lực bán mạnh trên thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường hàng hóa, được định giá phần lớn bằng đồng bạc xanh. Dollar Index tăng cao khiến chi phí nắm giữ vị thế cũng trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày. Các nguyên nhân mà EIA đưa ra là lo ngại về nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, cùng với sự không chắc chắn trong quyết định gia tăng sản lượng thực tế của OPEC+ cũng như tốc độ sản xuất của các công ty dầu đá phiến tại Mỹ. EIA cũng đã điều chỉnh giảm dự báo giá Brent xuống còn 104 USD/thùng trong năm 2022 và xuống 94 USD/thùng trong năm 2023. Đây là yếu tố rất tiêu cực khiến giá tiếp tục giảm mạnh trong phiên tối.
Ngược lại, trong báo cáo tháng hôm qua, OPEC vẫn tỏ ra rất lạc quan về nhu cầu dầu trong năm nay. Cụ thể, OPEC giữ nguyên dự báo tiêu thụ dầu trong năm 2022 ở mức 100,29 triệu thùng/ngày, và dự báo trong năm 2023, con số sẽ tăng lên mức kỷ lục 102,99 triệu thùng/ngày. Cả IEA cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thị trường năng lượng có thể sẽ còn gia tăng. Tuy vậy, khi tâm lý trên thị trường chung chưa được cải thiện, các nhận định tức cực này cũng không thể giúp lực mua quay lại thị trường hôm qua.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thương mại tăng 4,762 triệu thùng trong tuần vừa rồi, có thể trở thành yếu tố tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên biểu đồ ngày, RSI và MACD đang hướng sâu xuống bên dưới, và MACD liên tục duy trì tại vùng âm. Giá đang tiếp cận vùng hỗ trợ mạnh 94,4 USD/thùng, tuy nhiên sẽ rất rủi ro để tiến hành mua “bắt đáy”. Do đó, các nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)