Đà tăng của giá dầu đã chững lại sau hai phiên tăng liên tiếp, với giá dầu thô WTI giảm 1,32% về 82,16 USD/thùng và giá dầu thô Brent giảm 1,42% về 86,09 USD/thùng.
Sau khi đi ngang trong phiên sáng, sức ép bán được gia tăng từ đầu phiên tối, khi mà thị trường đón nhận thông tin từ báo cáo sao báo cáo tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Cụ thể, trong báo cáo mới công bố, OPEC vẫn giữ nguyên ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu thô của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày lên mức 101,9 triệu thùng/ngày. Báo cáo cũng lưu ý về những rủi ro đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, và cũng là triển vọng tiêu thụ đối với dầu thô như áp lực lãi suất cao để kìm hãm lạm phát và sự ổn định của thị trường tài chính.
Về phía nguồn cung, sản lượng của Nga được dự báo sẽ giảm về dưới 10 triệu thùng kể từ quý III năm nay, tuy nhiên sản lượng trung bình trong năm 2023 không đổi, vẫn ở mức 10,28 triệu thùng.
Sản lượng của 13 thành viên OPEC giảm 86.000 thùng/ngày trong tháng 3 về mức 28,80 triệu thùng. Tuy nhiên, điều mà thị trường thực sự quan tâm ở báo cáo là khối lượng dầu mà OPEC cần sản xuất để tình trạng thâm hụt nguồn cung không xảy ra. Theo báo cáo, nhu cầu đối với dầu của OPEC sẽ tăng lên 29,70 và 30,28 triệu thùng trong quý III và quý IV của năm nay. Nếu các thành viên thực hiện cắt giảm theo đúng cam kết, nguồn cung sẽ thấp hơn nhu cầu tiêu thụ 1,6 triệu thùng/ngày trong quý III và 2,2 triệu thùng/ngày trong quý IV.
Mặc dù vậy, báo cáo của OPEC không hỗ trợ cho giá dầu nối dài đà tăng trong phiên hôm qua, khi mà phần lớn các yếu tố này đã được phản ánh hết vào giá. Đồng thời, dự báo về nhu cầu không tăng, mà đối mặt với nhiều nguy cơ giảm, cộng với áp lực chốt lời sau khi đà tăng đã kéo dài bốn tuần liên tiếp khiến sức ép bán áp đảo và làm cho giá dầu suy yếu.
Tâm lý thận trọng được gia tăng trên thị trường dầu thô bất chấp việc đồng USD suy yếu khi mà các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,01 điểm, mức thấp nhất trong gần ba tháng. Dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt đã rõ ràng hơn, khi mà chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0.5% so với tháng trước, và tăng nhẹ 2,7% so với năm trước. Đáng chú ý, các số liệu đều thấp hơn so với dự báo. Chỉ số PPI đi xuống là yếu tố tích cực và có thể giúp cho chi phí giá tiêu dùng hạ nhiệt khi các nhà sản xuất hạ giá đầu ra.
Trên thị trường hàng vật chất, các nhà máy lọc dầu tại châu Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu, sau khi có thông báo cắt giảm của OPEC. Kỳ vọng tiêu thụ tại châu Á tăng cũng khiến Saudia Arabia tiếp tục tăng giá bán cho các đối tác trong khu vực.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI suy yếu khi gặp áp lực chốt lời tại vùng kháng cự 83 USD. Hai chỉ số MACD, RSI cùng với khối lượng giao dịch giảm đang cho thấy sức mua tuy vẫn áp đảo nhưng đã yếu dần. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế bán ngắn từ 82,4 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 81,7 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)