Kết thúc phiên giao dịch 13/07, giá dầu thô WTI tăng 0,48% lên 96,3 USD/thùng, giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,08% lên 99,57 USD/thùng. Giá dầu vẫn chưa thể lấy lại mốc 100 USD trong bối cảnh mà một loạt các tin tức về lạm phát, cũng như các báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố đều không khả quan.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ được công bố tăng 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981. Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 5,9%. Cả hai số liệu này đều cao hơn so với dự báo trước đó, và xoá tan mọi kỳ vọng về việc lạm phát đã tạo đỉnh ở Mỹ. Các nhà giao dịch hiện đang rất lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7, thay vì mức 50 - 75 điểm cơ bản như thông báo trước đó. Một đợt tăng lãi suất lớn khác có thể sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái của Mỹ và làm xói mòn nhu cầu tiêu thụ dầu.
Nếu như số liệu lạm phát ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ, thì báo cáo hàng tuần của EIA tiết lộ nhiều điều hơn về nhu cầu tiêu thụ hiện nay. Sau giai đoạn tiêu thụ cao điểm của đợt nghỉ lễ Quốc Khánh, nhu cầu đối với nhiên liệu của Mỹ đã hạ nhiệt dần. Nhu cầu tiệu thụ xăng, đã giảm vào tuần trước xuống còn 8,06 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 1996.
Những số liệu hiện đang vẽ ra một bức tranh rõ ràng hơn về nhu cầu đang chững lại trước áp lực từ việc giá nhiên liệu tăng quá mạnh. Giá xăng đã giảm liên tục trong gần một tháng nay, nhưng dường như vẫn chưa đủ để kích thích nhu cầu. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), hiện nay giá xăng trung bình ở Mỹ là 4,631 USD/gallon, vẫn đắt hơn 47% so với một năm trước.
Sự sụt giảm nhu cầu đồng nghĩa với việc phần lớn sản lượng sẽ đi vào kho dự trữ. Báo cáo của EIA tiếp tục chỉ ra, tồn kho dầu thô tăng 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/7, tồn kho xăng và tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng tăng lần lượt 5,8 triệu thùng và 3,4 triệu thùng.
Đây là những nguyên nhân chính khiến sức mua không quay lại với thị trường đầu trong phiên hôm qua, tuy nhiên giá dầu vẫn nhận được những sự hỗ trợ nhờ vào tình trạng nguồn cung vẫn bị thắt chặt. Báo cáo tháng của IEA cũng bày tỏ những lo ngại về việc rủi ro vĩ mô sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên tổ chức này chỉ cắt giảm triển vọng cho năm 2022 một cách khiêm tốn ở mức 200.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, đáng chú ý là tồn kho dầu thế giới tiếp tục tăng trong tháng 5, chủ yếu là do mức tăng tại các nước không thuộc OECD.
Điều này gợi ý nhu cầu tiêu thụ dầu tại tại các nhóm các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp đang có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, IEA lại tăng dự báo nguồn cung dầu trong nửa cuối năm, do hoạt động sản xuất xuất khẩu vượt kỳ vọng của Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 12.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu chỉ dao động ở nửa dưới của Bollinger Band, cùng với việc các chỉ số RSI và MACD đều hướng sâu xuống dưới cho thấy áp lực bán rất mạnh. Hiện giá đang được hỗ trợ ở mức 94 USD, tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm dần và thường thấp hơn ở những phiên tăng nên giá dầu có thể biến động hẹp hơn. Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua trong nhịp hồi từ 94 –96 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)