Giá dầu tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 15/06, được hỗ trợ bởi tình hình tiêu thụ khả quan của Trung Quốc, cùng các dấu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Ngoài ra, mối lo nguồn cung sụt giảm vẫn tiềm ẩn, hỗ trợ cho giá dầu. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 3,44% lên mức 70,62 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,37%, lên mức 75,67 USD/thùng.
Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 62 triệu tấn, mức cao thứ 2 được ghi nhận, chỉ sau tháng 3 năm nay. Con số này cũng cao hơn 0,9 triệu tấn so với tháng 4.
Các nhà máy lọc quay trở lại sau thời gian bảo trì, và nguồn dầu giá rẻ có lợi cho biên lợi nhuận sản xuất đã thúc đẩy hoạt động lọc dầu. Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc duy trì ở mức cao đã thúc đẩy giá dầu, bất chấp các dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 5.
Sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 3,8% mà giới phân tích dự báo và mức tăng 5,6% hồi tháng 4. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo động lực cho các nhà hoạch định sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn (MLF kỳ hạn 1 năm) xuống còn 2,65% từ mức 2,75%, tương đương giảm 10 điểm cơ bản. Đây có thể là tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) 1 năm và 5 năm của quốc gia này trong tuần sau.
Tập đoàn Dầu mỏ Kuwait (KPC), nhà sản xuất lớn của OPEC cũng nhận thấy nhu cầu dầu từ Trung Quốc tiếp tục tích cực trong nửa cuối năm nay, theo Reuters trích lời giám đốc điều hành của tập đoàn vào tối qua ngày 15/06.
Về phía cung, các nhà phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện từ tháng 5 bởi OPEC+ sẽ hỗ trợ giá dầu vào thời điểm nhu cầu mạnh mẽ. Ngân hàng UBS dự kiến nguồn cung thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 năm nay, đồng thời dự đoán giá dầu sẽ có xu hướng cao hơn.
Tại Trung Đông, các thùng dầu được bán bởi nhà sản xuất vùng Vịnh Ba Tư như Saudi Arabia tương đối đắt đỏ sau khi được điều chỉnh tăng giá bán sang châu Á. Giá dầu hoán đổi tại Dubai hiện cao hơn khoảng 3,65 USD/thùng so với dầu WTI của Mỹ. Trong những tuần trước, mức chênh lệch đó thường nhỏ hơn 3 USD/thùng. Điều đó khiến nguồn cung dầu của Mỹ cạnh tranh hơn và góp phần thúc đẩy giá tăng.
Về yếu tố vĩ mô, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25% trong cuộc họp ngày hôm qua. Trong khi trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm thời giữ nguyên lãi suất. Điều này đã kéo đồng Euro đạt mức cao nhất trong 5 tuần so với đồng USD.
Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho lực mua dầu trên thị trường do chi phí mua hàng trở nên rẻ hơn tương đối so với người mua bằng đồng tiền thương mại khác. Giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 8%, một phần cũng được hỗ trợ bởi yếu tố này.
Ngoài ra, đà tăng mạnh của giá khí tự nhiên còn do dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức lưu trữ khí đốt tự nhiên tăng ít hơn dự kiến trong tuần kết thúc ngày 09/06, đạt mức 84 tỷ feet khối. Kỳ vọng nhu cầu phục hồi thúc đẩy dự trữ, trong khi sản lượng thấp hơn đã hỗ trợ giá khí.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, việc giá dầu phá vỡ vùng kháng cự 70 USD có thể sẽ giúp giá hướng kên các mục tiêu tiếp theo, trước hết là vùng 71,5 – 72 USD. Giá dầu vượt qua cạnh giữa dải Bollinger Band khung H4 và di chuyển sát cạnh trên. Nhưng trước hết, giá có thể hồi về vùng 70 – 70,3 USD trước khi tiếp tục đà tăng. Nhà đầu tư có thể mở mua ở vùng giá này với kỳ vọng chốt lời tại 71,5 USD. Cắt lỗ 69,6 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)