Bản tin MXV Năng lượng 16/08: Lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kéo giá dầu giảm mạnh
02:22 SA @ Thứ Tư - 16 Tháng Tám, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/08, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc đỏ. Dẫn đầu là giá khí tự nhiên với mức giảm 4,87% khi các nhà phân tích dự báo nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ thấp hơn trong tuần tới, trong khi sản lượng sẽ cao hơn.

Đối với mặt hàng dầu thô, sức ép chính kéo giá giảm mạnh trong phiên chủ yếu là do các dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,84% xuống 80,99 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,53% xuống 84,89 USD/thùng.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 7 và thấp hơn nhiều so với dự báo.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với tháng trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng 4,5% của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 4,4% trong tháng 6.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022, chỉ tăng 2,5% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 3,1% trong tháng 6.

Đầu tư tài sản cố định cũng thấp hơn kỳ vọng của thị trường trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại. Điều này phản ánh mức độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm nhẹ lãi suất sau khi dữ liệu cho thấy áp lực ngày càng tăng, chủ yếu là từ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức cắt giảm quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt. Nguy cơ “bẫy thanh khoản”, một kịch bản mà chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng giữ tiền mặt thay vì chi tiêu nhấn mạnh thêm lo ngại tăng trưởng.

Công ty tài chính Barclays đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc xuống 4,5%, thấp hơn mục tiêu 5% mà quốc gia này đặt ra. Nhìn chung, đây là yếu tố chính đã gây sức ép liên tục tới giá dầu trong ngày hôm qua.

Cũng làm tăng thêm tâm lý sợ rủi ro, một nhà phân tích tại Fitch Ratings cảnh báo rằng các ngân hàng Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase, có thể bị hạ cấp xếp hạng tín dụng nếu cơ quan tiếp tục cắt giảm đánh giá về môi trường hoạt động của ngành, theo một báo cáo từ CNBC.

Khi lĩnh vực ngân hàng lung lay, giá dầu cũng ảnh hưởng vì tính chất nhạy cảm với lãi suất, các khoản vay và sức khỏe chung của nền kinh tế.

Một điểm sáng về mặt cung cầu, thông lượng lọc nhu cầu dầu thô sử dụng cho hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc trong tháng 7 vẫn tương đối ổn định, đạt khoảng 14,87 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 14,83 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Tuy nhiên trước đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn khoảng 16% so với tháng 6.

Ngoài ra, dữ liệu từ cơ quan theo dõi tàu Kpler cho biết nhập khẩu dầu Iran bị trừng phạt của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong ít nhất một thập kỷ do giá toàn cầu tăng khiến dầu thô chiết khấu trở nên hấp dẫn hơn.

Trung Quốc sẽ nhận khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Iran trong tháng này, theo ước tính từ Kpler, cao hơn nhiều so với mức trung bình 917.000 thùng/ngày trong 7 tháng đầu năm và sẽ là mức cao nhất kể từ khi Kpler theo dõi dữ liệu từ năm 2013. Nguồn cung tăng cường từ Iran làm giảm áp lực thâm hụt trên thị trường dầu, góp phần hạ nhiệt giá dầu.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/6, giảm nhiều hơn 3,9 triệu thùng so với dự báo của thị trường, trong khi tồn kho xăng cũng giảm 0,76 triệu thùng. Điều này cho thấy tình hình tiêu thụ tại Mỹ nhiều khả năng vẫn đang tương đối tích cực.

Theo Hiệp hội ô tô Mỹ, giá xăng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 1 năm, với giá bán lẻ trung bình trên toàn quốc đạt 3,86 USD/gallon vào ngày 15/08, cao hơn 7% so với một tháng trước. Điều này có thể khiến giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên mở cửa sáng nay.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Các nhà đầu tư nên chuyển sang giao dịch Hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 10 do kỳ hạn tháng 9 sắp đến ngày đáo hạn.

Giá dầu hoàn thành mô hình 2 đỉnh và phá vỡ kênh xu hướng tăng, hiện đang đối diện với vùng hỗ trợ mạnh 80 USD. Trên khung H4, giá di chuyển sát cạnh dưới dải Bollinger Band nhưng đang có xu hướng hướng lên kiểm tra lại cạnh giữa của dải và cũng là kháng cự vùng 81,2 – 81,5 USD. RSI sát vùng quá mua khung H4 và có xu hướng hướng lên. Chỉ báo Stochastic cho thấy 2 đường %K và %D chưa có dấu hiệu cắt lên rõ ràng nhưng đang ở ngưỡng dưới 20.

Dự báo giá sẽ hướng tới vùng kháng cự 81,2 – 82,5 USD trước khi tiếp tục suy yếu.

Nguồn: