Kết thúc tuần giao dịch ngày 10/04 – 16/04, giá dầu nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp khi báo cáo từ các Tổ chức năng lượng quốc tế cho thấy cán cân cung cầu tương đối mong manh, đặc biệt là vào nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt kéo theo kỳ vọng lãi suất có thể sắp đạt đỉnh, làm giảm bớt một vài lo ngại vĩ mô cho nền kinh tế, hỗ trợ cho giá dầu.
Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa tuần tại mức giá 82,52 USD/thùng, tăng 2,26% so với tuần trước, dầu Brent tăng 1,4% lên mức 86,31 USD/thùng.
Một trong những tâm điểm của thị trường trong tuần qua là báo cáo lạm phát tháng 3 của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng chậm lại ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6% trong tháng trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm 0,5% so với tháng trước.
Lạm phát tại Mỹ giảm tháng thứ 7 liên tiếp, đã thúc đẩy hy vọng rằng Fed tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index ghi nhận chuỗi giảm điểm thứ 5 liên tiếp, có thời điểm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Đồng bạc xanh suy yếu đã thúc đẩy lực mua dầu thô, do giá dầu bớt đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng đồng tiền thương mại khác.
Về mặt cung – cầu, thị trường dầu cũng đón nhận hàng loạt báo cáo quan trọng từ các Tổ chức lớn, bao gồm Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Báo cáo tháng 3 của EIA vẫn cho thấy xu hướng nguồn cung nhỉnh hơn so với nhu cầu trong các quý năm nay và năm sau. EIA dự báo nguồn cung vẫn ở mức cao hơn nhu cầu trung bình khoảng 430.000 thùng/ngày trong năm 2023 và 530.000 thùng/ngày vào năm 2024, do triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ là mối lo ngại đáng chú ý, bất chấp việc cắt giảm sản lượng từ phía OPEC+. Báo cáo của OPEC hôm thứ Năm cũng đánh dấu những rủi ro giảm đối với nhu cầu dầu trong mùa hè năm nay.
Trong khi đó, báo cáo của IEA cho biết kế hoạch từ OPEC+ sẽ làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay, do đó dự báo về thâm hụt được điều chỉnh tăng thêm 400.000 thùng/ngày lên 800.000 thùng/ngày so với báo cáo trước.
Mặc dù các dữ liệu tương đối trái chiều, song các tổ chức đều cho thấy cán cân cung cầu tương đối mong manh trong 2 quý cuối năm, và điều này tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư mua và giữ giá dầu trên vùng 80 USD/thùng.
Tăng trưởng nguồn cung tại Mỹ vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp, theo dữ liệu của Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu khí đã giảm 3 xuống 748 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua.
Trong tuần này, dữ liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể tới diễn biến giá dầu, khi quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình xu hướng giá giai đoạn tới. Trước đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất trong 1 tháng kể từ tháng 6/2020.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Vùng 82 USD sẽ là mốc quan trọng đối với giá dầu. Nhiều khả năng giá sẽ dao động với biên độ hẹp trong phiên đầu tuần, và chờ đợi thông tin bứt phá. RSI trên khung ngày đang ở vùng quá bán, nhưng các tin tức cơ bản vẫn thiên về bullish. Dự báo giá sẽ test về hỗ trợ 81,8 USD. Các nhà đầu tư lướt sóng có thể mở mua ở vùng này, kỳ vọng chốt lời tại 82,6 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)