Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/01, giá dầu tiếp tục xu hướng tăng sau khi loạt dữ liệu tích cực hơn dự kiến của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, và sau Báo cáo thị trường dầu thô thế giới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dầu WTI ghi nhận mức tăng 0,4% lên 80,18 USD/thùng. Dầu Brent chốt tại 85,92 USD/thùng, tăng 1,73%.
Lực mua đã được thúc đẩy ngay từ phiên mở cửa, đặc biệt là sau khi Trung Quốc công bố một loạt dữ liệu tích cực hơn dự đoán, làm tăng niềm tin vào sức phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cụ thể, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2022 chỉ tăng 3% so với năm 2021, nhưng con số này cũng nằm trong dự tính do yếu tố từ dịch bệnh và ngành bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, tính riêng quý IV năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021, vượt dự báo của các nhà kinh tế ở mức 1,8%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ của quốc gia này trong tháng 12 cũng bất ngờ cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Điều này đang củng cố cho tâm lý lạc quan vào tốc độ tăng trưởng GDP sớm phục hồi trong năm nay, đem lại bức tranh sáng sủa hơn cho thị trường dầu thô và hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Cùng đưa ra nhận định tích cực cho năng lực tiêu thụ dầu tại Trung Quốc, Báo cáo thị trường dầu thô của OPEC cũng đã kéo giá dầu tiếp tục đà tăng. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay so với năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ sẽ diễn ra kể từ quý II/2023 sau khi nhu cầu giảm trong quý I. Tuy nhiên, OPEC cũng cho thấy mặc dù tiêu thụ tại Trung Quốc khởi sắc nhưng với các khu vực khác dự kiến sẽ có sự sụt giảm nhẹ do những thách thức kinh tế. Do vậy, tổ chức này đã giữ nguyên mức dự báo nhu cầu cho năm 2023 vẫn sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Điều này khiến cho đà tăng của giá dầu không quá mạnh.
Trong khi đó, về nguồn cung, báo cáo lần này cho thấy tăng trưởng sản xuất chất lỏng ngoài OPEC không thay đổi so với đánh giá của tháng trước ở mức 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023 so với năm trước. Sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28,97 triệu thùng/ngày trong tháng 12 năm 2022, cao hơn 91.000 thùng/ngày so với tháng trước, nhưng vẫn ở dưới mức hạn ngạch đặt ra. Do tháng trước, nhóm OPEC-10 cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn mục tiêu ở mức 1,2 triệu thùng, trong khi tháng 12 sản lượng vẫn tăng lên, khiến giá dầu gặp áp lực bán nhẹ vào cuối phiên.
Tuy nhiên, một số rủi ro về nguồn cung có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá. Mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nợ do bán với giá chiết khấu cao kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào 2019. Kể từ ngày 17/1, hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng là rủi ro lớn với thị trường trước lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế của các nước phương Tây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hai lệnh cấm vận cộng lại sẽ làm giảm sản lượng dầu và tổng xuất khẩu của Nga khoảng 1 triệu thùng/ngày vào cuối quý I/2023. Nguồn tin cấp cao của Nga đã đưa ra dự báo trung bình về mức giảm hoạt động của nhà máy lọc dầu ở mức 15% trong năm nay, phù hợp với dự báo chính thức.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu có thể sẽ gặp lực cản sau khi chạm kháng cự 80,2 USD/thùng. RSI cắt xuống đường trung bình động MA của nó trên khung H4, nên giá có thể sẽ có nhịp giảm điều chỉnh kỹ thuật trước khi tăng trở lại, và nhiều khả năng sẽ trở lại cạnh giữa dải Bollinger Band. Các nhà đầu tư có thể đợi giá hồi về 79,3 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời ở mức 81,3 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)