Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/10, giá dầu diễn biến giằng co và chốt phiên tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Trung Đông lan rộng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 tăng 0,21% lên 85,44 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 0,28% lên 89,90 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tới Israel vào thứ Tư ngày 18/10, sau khi Washington cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý viện trợ nhân đạo đối với những người dân Gaza. Mỹ cũng đang cố gắng tập hợp các quốc gia Arab nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực. Trước đó, Iran đã cảnh báo về hành động ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ của Israel, bao gồm hỗ trợ phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Nhìn chung, giá dầu dao động với biên độ hẹp trong phần lớn phiên, khi các nhà đầu tư tập trung chờ đợi liệu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ có thành công trong việc ngăn chặn xung đột Israel - Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn hay không.
Về phía nguồn cung từ Nga, theo dữ liệu từ các thương nhân và LSEG, xuất khẩu dầu diesel và dầu mazut bằng đường biển của Nga trong 15 ngày đầu tháng 10 đã giảm 20% so với cùng kỳ tháng 9 xuống khoảng 1,1 triệu tấn, do các nhà máy lọc dầu bảo trì theo mùa. Điều này đã làm gia tăng áp lực thâm hụt về phía nguồn cung, củng cố lực mua trên thị trường.
Ngoài ra, loạt dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến cũng đã củng cố đà tăng của giá dầu. Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 9 tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,1% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Bên cạnh đó, phát biểu ôn hòa từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Richmond, Thomas Barkin, đã gây sức ép lên đồng USD, gián tiếp hỗ trợ giá dầu. Ông Barkin cho biết tại Hội nghị bàn tròn Bất động sản ở Washington vào ngày 17/10 rằng, các nhà hoạch định chính sách cần “có thời gian” để đánh giá về việc nên giữ lãi suất ổn định hay cần tăng lãi suất hơn nữa để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 300.000 thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm 1,6 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của thị trường. Giá dầu đón nhận lực mua mạnh hơn rõ rệt ngay sau khi dữ liệu được công bố, củng cố sắc xanh cho phiên ngày hôm qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật giá dầu, khung D1, đà tăng của giá có dấu hiệu chững lại tại Fibo 0,236 khi áp lực bán đã bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên trước. Giá đang được hỗ trợ bởi MA20, tuy nhiên tiệm cận kháng cự là đường trendline tăng trung hạn. Phiên hôm trước đóng nến spinning top, cho thấy sự giằng co của 2 phe mua bán tại vùng giá này. Tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng hơn khi các nhà đầu tư tập trung đánh giá những nỗ lực ngoại giao của Mỹ, với chuyến thăm Israel của Tổng thống Joe Biden, nhằm ngăn chặn xung đột Israel – Hamas leo thang.
Trên khung 4H, giá dầu duy trì xu hướng tăng đến đường trendline tăng trung hạn sau chuỗi nhiều phiên tích lũy đi ngang trước đó. Tuy nhiên, RSI tiệm cận vùng quá mua. Dự báo giá dầu có thể sớm điều chỉnh giảm về MA50 tại vùng giá 85 - 85,5. Nhà đầu tư có thể mở vị thế chờ bán tại 87,5 – 88 USD, với kỳ vọng chốt lời tại 85 – 85,5 USD. Cắt lỗ nếu giá tăng quá vùng 89 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)