Bản tin MXV Năng lượng 19/04: Giá dầu diễn biến giằng co khi áp lực lãi suất tăng hạn chế tác động tích cực của GDP Trung Quốc
02:16 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Tư, 2023

Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trước khi kết thúc với mức tăng nhẹ trong phiên ngày 18/4. Giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế tích cực của Trung Quốc, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại tăng trưởng tại Mỹ trong bối cảnh lãi suất có thể vượt mức 5%.

Kết phiên, giá dầu WTI chỉ tăng nhẹ 0,09% lên mức 80,9 USD/thùng. Giá dầu Brent gần như không thay đổi so với phiên trước đó, chốt tại mốc 84,77 USD/thùng.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay của Trung Quốc tăng nhanh hơn so với dự báo 0,5 điểm phần trăm, đạt mức 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).

Doanh số bán lẻ tháng 3 cũng tăng vọt hơn 10%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2021, phản ánh tâm lý của người tiêu dùng đang dần được cải thiện.

Là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới, và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng giá dầu kể từ sau khi mở cửa trở lại, dữ liệu kinh tế tích cực này đã hỗ trợ cho giá do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu nhiên liệu gia tăng.

Trên thực tế, lưu lượng lọc dầu thô của Trung Quốc cũng đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, đạt 63,9 triệu tấn, theo dữ liệu từ NBS, tương đương 14,9 triệu thùng/ngày, tăng 8,8% so với một năm trước đó. Điều này xuất phát từ việc các nhà máy tăng cường hoạt động để tận dụng nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ, và tích trữ hàng tồn kho trước đợt bảo trì theo kế hoạch.

Nhu cầu tích cực còn được thể hiện ở việc Trung Quốc và Ấn Độ, đối tác chính của Nga trong những tháng gần đây, có thể đã mua dầu Urals của Nga trong tháng 4 với mức giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng do nhóm các nước G7 đặt ra. Bức tranh tiêu thụ triển vọng trong khi nguồn cung từ phía Trung Đông sẽ dần bị thu hẹp, khiến dầu WTI tiếp tục được giao dịch trên ngưỡng 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, đà tăng chững lại bởi một số lo ngại về bức tranh kinh tế của Mỹ, giá dầu gần như giằng co trong suốt phiên tối. Triển vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ vẫn là một lực cản đối với tâm lý các nhà đầu tư.

Chủ tịch Fed St. Louis, ngài James Bullard cho biết hôm thứ Ba trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng Fed nên tiếp tục tăng lãi suất do dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát có khả năng sẽ dai dẳng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng Fed rất có thể chỉ còn một đợt tăng lãi suất nữa.

Kỳ vọng trái chiều này đã hạn chế tâm lý rủi ro của nhiều nhà đầu tư, lực bán chốt lời cũng mạnh hơn, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng vọt trong phiên ngày 18/04 đối với hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 6.

Dầu thô cũng bị áp lực bởi thông tin Chính phủ Liên bang Iraq và Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) đang hướng tới nối lại xuất khẩu dầu phía Bắc từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tạm dừng vào tháng trước.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm hơn 2.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/4. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm, thể hiện nhu cầu trên thực tế tương đối tích cực. Điều này có thể khiến giá dầu WTI tiếp tục giao dịch trên vùng 80 USD/thùng.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Hiện các nhà đầu tư đang chuyển sang giao dịch hợp đồng dầu thô WTI tháng 6 khi mà ngày giao dịch cuối cùng 20/04 của hợp đồng tháng 5 đang đến gần.

Về mặt kỹ thuật, giá dầu vẫn chưa có động lực rơi xuống dưới vùng 80 USD/thùng. Thông tin tồn kho dầu giảm có thể hỗ trợ nhẹ cho giá, nhưng tín hiệu kỹ thuật cho thấy lực bán đang mạnh lên, với khối lượng giao dịch tăng vọt trong phiên hôm qua. Nhiều khả năng vùng đi ngang sẽ được duy trì. Nhà đầu tư có thể mở mua khi giá về vùng 80.2 – 80.5 USD với kỳ vọng chốt lời 81.8 - 82 USD.

Nguồn: