Giá dầu giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày 18/09, với dầu WTI chốt phiên ở mức 71,86 USD/thùng sau khi giảm 1,33%. Dầu Brent giảm 1,43% xuống mức 75,86 USD/thùng. Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã củng cố cho khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này khiến đồng USD tăng mạnh, gây áp lực tới giá dầu do chi phí mua hàng đắt đỏ hơn.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ lần đầu tiên giảm trong tuần kết thúc ngày 12/05 sau 3 tuần tăng liên tiếp, thấp hơn 22.000 đơn so với tuần trước đó, đạt mức 242.000. Chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia giảm nhẹ hơn dự kiến, đạt mức -10,4 trong tháng 5, tích cực hơn nhiều so với mức -31,3 trong tháng 4.
Dữ liệu kinh tế mới của Mỹ mạnh hơn dự báo cùng với sự lạc quan về các cuộc đàm phán trần nợ đã củng cố kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất tiếp theo. Theo 2 nhà hoạch định chính sách của Fed, lạm phát của Mỹ dường như không hạ nhiệt đủ nhanh để cho phép Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất.
Các thị trường kỳ hạn lãi suất đã phản ánh xác suất 33% của việc tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6, cao hơn so với tỷ lệ chỉ 10% cách đây 1 tuần. Điều này đã khiến đồng USD mạnh hơn đáng kể, kéo chỉ số Dollar Index tăng vọt 0,68% lên mức cao nhất trong gần 2 tháng.
Điều đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ do nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người giao dịch bằng các đồng tiền thương mại khác. Điển hình như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã sụt giảm giá trị so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022.
Về mặt cung cầu, bức tranh tiêu thụ chưa có sự khởi sắc đáng kể. Nhà sản xuất dầu lớn Qatar đã ấn định giá dầu kỳ hạn tháng 7 ở mức cao hơn khoảng 1,03 USD/thùng so với báo giá của Dubai, giảm từ mức chênh lệch 2,37 USD/thùng của tháng trước. Như vậy, giá dầu xuất khẩu từ quốc gia này đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, do lợi nhuận lọc dầu yếu và nguồn cung ổn định bất chấp chính cắt giảm thêm sản lượng của nhóm OPEC+.
Một yếu tố khác làm giảm nhu cầu dầu là vụ hỏa hoạn ở Mexico tại nhà máy lọc dầu Salina Cruz, thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ nhà nước Mexico Pemex. Tuy nhiên, theo Reuters, các công nhân đã được sơ tán, không có ai bị thương và ngọn lửa đã được kiểm soát.
Ngược lại, giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt hơn 9% lên mức cao nhất trong 9 tuần do tình trạng cháy rừng khiến xuất khẩu khí đốt từ Canada ở gần mức thấp nhất trong 25 tháng, đạt 6,4 tỷ feet khối/ngày.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI giảm trở lại khi chạm cạnh giữa của dải Bollinger Band trên khung D1. Thanh khoản chưa quá mạnh, cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Hiện tại giá dầu đang ở vùng hỗ trợ 71,5 – 71,8 USD nên nhiều khả năng sẽ giằng co trong phiên sáng. Sau đó, nếu đồng USD hạ nhiệt, giá dầu sẽ khó phá vỡ vùng hỗ trợ này và có thể tăng trở lại lên vùng 73 USD. Nhà đầu tư có thể mở mua và chốt lời ở vùng trên. Lưu ý việc phá vỡ hỗ trợ xuống 71,2 USD sẽ đưa giá dầu xuống vùng 70 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)