Bản tin MXV Năng lượng 19/05: Giá dầu thô tiếp tục suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế
02:07 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Năm, 2022

Đóng cửa ngày 18/05, giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp bất chấp việc đã có lực mua rất mạnh trong phiên sáng. Tuy nhiên, khi gặp các kháng cự kỹ thuật quan trọng, là mức 115,4 USD/thùng với dầu WTI và 114 USD/thùng với dầu Brent, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại. Kết phiên, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 6 giảm 2,5% xuống còn 109,59 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 2,52% xuống mức 109,11 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tháng 6 (CLM) đã trải qua ngày thông báo đầu tiên 18/05, và sẽ đáo hạn vào ngày mai 20/05/2022. Đây là giai đoạn thường có những biến động bất thường đối với giá dầu, nên chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chuyển sang giao dịch hợp đồng dầu WTI tháng kế tiếp, là tháng 7/2022 với mã CLN2022.

Diễn biến của giá dầu trong tối và đêm qua đem đến khá nhiều bất ngờ đối với thị trường. Sau khi Viện dầu khí Mỹ (API) dự báo tồn kho dầu của nước này sẽ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần trước, số liệu chính thức từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào lúc 21:30 thậm chí còn đưa ra mức giảm mạnh hơn. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 13/05, tồn kho dầu thương mại tại Mỹ giảm tới 3,39 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với các dự báo của giới phân tích. Tuy chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng tồn kho liên tiếp, nhưng tồn kho tại Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng, cũng là lý do được giới phân tích đưa ra để lý giải cho sự “bất ngờ” trong ngày hôm qua.

Trong khi đó, tồn kho xăng vẫn liên tục giảm kể từ đầu năm 2022 tới nay, với mức giảm thêm 4,7 triệu thùng trong tuần trước. Tuy nhiên, do giá xăng đã ở mức cao kỷ lục, cùng với một số thông tin tiêu cực về nhu cầu, nên giá xăng RBOB tại Mỹ đã điều chỉnh giảm mạnh 5.6% xuống còn 3,72 USD/gallon.

Lực bán trong ngày hôm qua chủ yếu đến từ lo ngại về nền kinh tế Mỹ khi thị trường chứng khoán giảm điểm và sự mạnh lên của đồng Dollar Mỹ. Bên cạnh đó, việc Mỹ đang có kế hoạch nới lỏng các viện pháp trừng phạt đối với Venezuela cũng mang đến sự lạc quan hơn về nguồn cung, vốn đang là yếu tố “bullish” đối với thị trường trong suốt 2 tháng qua.

Còn đối với chủ đề nóng xoay quanh Nga và EU, liên minh châu Âu đã không thuyết phục được Hungary dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo các nước trong khối sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó để có thể áp đặt một lệnh cấm một phần hoặc theo từng giai đoạn vào cuối tháng 5 này. Chính vì thế, giá dầu có thể sẽ không giảm nhiều, mà sẽ vẫn neo ở các vùng giá cao trên 100 USD/thùng trong thời gian tới..

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Trên biểu đồ kĩ thuật, giá dầu WTI đang hướng về đường SMA20 sau khi bị đẩy xuống từ cạnh trên của dải Bollinger hướng lên. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) hướng xuống đường trung bình. Đường MACD ở trên mức 0 và đường Siganl, với khoảng cách dang thu hẹp dần. Vì thế, với hình thái thị trường như hiện nay, có thể xem xét mở bán dầu WTI khi giá ở quanh vùng 110 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời từ 2–3 USD.

Nguồn: